Cuộc trao đổi trực tuyến thu hút hơn 180 đại diện từ các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán, các nhà phân tích độc lập và đại diện báo chí. Nội dung trao đổi xoay quanh 3 chủ đề chính: Kết quả kinh doanh của VIB trong nửa đầu 2021; các chiến lược kinh doanh quan trọng đưa VIB trở thành một trong những ngân hàng top đầu về bán lẻ ở Việt Nam; ngân hàng số với tư cách là tương lai của ngành bán lẻ.
Mở rộng biên lợi nhuận song song hỗ trợ khách hàng và cộng đồng
Từ khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, VIB đã liên tục giảm lãi suất cho vay cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân nhằm tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng. Song song đó, VIB đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng chỉ số biên lãi ròng (NIM) thông qua việc đẩy mạnh phát triển mảng bán lẻ và tối ưu hóa chi phí huy động vốn.
Báo cáo của VIB chỉ ra xu hướng NIM trong 6 quý gần đây ngày càng được cải thiện mạnh mẽ nhờ việc giảm chi phí huy động vốn (COF). Tỷ lệ COF của VIB đã giảm từ 5,4% vào Quý 1 2020 xuống còn 3,8% vào Quý 2 2021; NIM tăng từ 3,9% vào Quý 1 2020 lên 4,6% vào Quý 2 2021.
Theo ông Hoàng Linh – Giám đốc Tài Chính VIB, VIB đã chủ động tối ưu hóa chi phí huy động vốn thông qua việc đẩy mạnh tăng trưởng nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA); đồng thời, tăng cường huy động nguồn vốn giá rẻ trên thị trường quốc tế. Mới đây nhất, VIB vừa hoàn tất ký kết khoản vay hợp vốn trị giá 260 triệu USD trong 3 năm với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và một số định chế tài chính quốc tế. Ngân hàng cũng đang triển khai kế hoạch số hóa toàn bộ sản phẩm CASA và tiền gửi để tăng trưởng vững mạnh hơn nữa nguồn vốn này.
Bên cạnh đó, với định hướng tập trung chiến lược bán lẻ, dư nợ bán lẻ 6 tháng đầu năm VIB tăng trưởng hai chữ số, đạt 14,2%, kể cả trong giai đoạn dịch, chiếm tỷ trọng gần 90% tổng dư nợ của ngân hàng. Danh mục bán lẻ giúp VIB giảm thiểu rủi ro tập trung, thích ứng tốt trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện tại. VIB cũng là ngân hàng có tỷ lệ dư nợ bán lẻ tốt hàng đầu thị trường hiện nay.
Duy trì bảng tổng kết tài sản vững mạnh
Tại ngày 30/6, tổng tài sản VIB đạt trên 277 nghìn tỷ đồng, dư nợ tín dụng trên 185 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với đầu năm; huy động tiền gửi khách hàng tăng trưởng trên 12%. Tỷ lệ nợ xấu của VIB giảm về mức 1,3%. Với việc quản trị rủi ro chặt chẽ, ngân hàng duy trì tốt các chỉ số rủi ro và hệ số an toàn ở mức thận trọng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức 10,3%, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ở mức 73,1%.
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về việc cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, ông Hoàng Linh chia sẻ, từ đầu năm 2020, hơn 3.000 khách hàng đã được ngân hàng cơ cấu nợ theo Thông tư 01 và 03 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), gần 10.000 khách hàng được giảm lãi suất từ 0,5% đến 2%. Gần đây nhất, từ 15/7, VIB tiếp tục hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với mức lãi suất giảm trung bình 1,5%, tập trung vào các nhóm khách hàng chịu tác động nặng nề của đại dịch.
Với chiến lược tập trung vào mảng bán lẻ, bà Trần Thu Hương Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ đã chia sẻ các mảng kinh doanh hàng đầu thị trường của VIB hiện nay, gồm cho vay có tài sản bảo đảm (TSBĐ) như bất động sản, ô tô và bảo hiểm, thẻ tín dụng.
Sau 5 năm chuyển đổi, dư nợ bán lẻ của VIB nằm trong Top 4 các ngân hàng thương mại cổ phần vào cuối năm 2020 và vị trí này có thể có thay đổi tích cực trong năm 2021. Mảng bán lẻ từ chiếm tỷ trọng 21% lợi nhuận trước thuế (PBT) của VIB năm 2016 đã tăng gấp 6 lần về dư nợ, và chiếm tỷ trọng 70% PBT của toàn ngân hàng tính đến hết năm 2020. Các chiến lược kinh doanh VIB đang dần gặt hái các kết quả tích cực từ việc tự động hóa và số hóa các hoạt động bán hàng và sau bán hàng ở mảng bán lẻ.
Các nhà phân tích đặt câu hỏi về việc, là ngân hàng hàng đầu về thị phần cho vay mua ô tô 5 năm liên tiếp, VIB có gặp khó khăn trong việc quản lý nợ xấu và thu hồi nợ, đặc biệt trong bối cảnh giãn cách xã hội và tác động của dịch bệnh.
Bà Trần Thu Hương khẳng định: VIB không chỉ là ngân hàng hàng đầu về doanh số bán mà còn là top đầu ngành về quản trị rủi ro của mảng ô tô. VIB áp dụng khẩu vị rủi ro chặt chẽ ngay từ khâu phát triển sản phẩm và yêu cầu về khả năng trả nợ của khách hàng, tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo luôn dưới 80%, đánh giá TSBĐ chặt chẽ, đồng thời với việc cho vay có chọn lọc: 90% dư nợ vay ô tô là cho vay ô tô mới tiêu dùng và tập trung ở top hãng xe hàng đầu thị trường. Do đó, “Với khẩu vị rủi ro chặt chẽ từ đầu nguồn, sau 18 tháng kể từ khi COVID-19 xảy ra, tỷ lệ nợ xấu của mảng bán lẻ nói chung và mảng ô tô nói riêng tại VIB gần như không có biến động đáng kể so với trước đó”, bà Hương cho biết.
Cuộc trao đổi cũng tập trung vào các mảng nổi trội của VIB là bảo hiểm nhân thọ và thẻ tín dụng. Mặc dù giãn cách xã hội, VIB vẫn duy trì doanh số bán bảo hiểm nhân thọ thuộc top đầu trong thời gian qua, nhờ có các nền tảng bán hàng số và các giải pháp số đã được VIB triển khai hai năm gần đây.
Chia sẻ về mảng thẻ tín dụng, đại diện VIB cho biết: Tỷ lệ mở thẻ tín dụng và chi tiêu thẻ của ngân hàng đạt mức cao nhất trong lịch sử, do VIB là ngân hàng tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ hiện đại hàng đầu để mở thẻ và sử dụng thẻ hoàn toàn online, bên cạnh các tính năng nổi trội mà VIB áp dụng ở Việt Nam.