Sau Công văn số 16176/BTC-QLG ra ngày 6/11, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo việc kiểm tra giá cước vận tải, yêu cầu doanh nghiệp tính toàn lại giá thành và điều chỉnh theo giá nhiên liệu đã giảm, thì mới đây, vào 11h ngày 7/11, giá xăng, dầu đã tiếp tục giảm lần thứ 9 liên tiếp với mức giảm giá xăng 950 đồng/lít, xuống còn 21.390 đồng.
Rõ ràng, những động thái này đang tạo áp lực không nhỏ để các doanh nghiệp vận tải buộc phải giảm giá cước. Tuy nhiên, qua trao đổi với đại diện các hiệp hội vận tải, để giảm giá cước ngay là rất khó thực hiện và cần cân nhắc nhiều yếu tố.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội, hoạt động vận tải không thể theo cơ chế thị trường như việc buôn bán hàng hóa ở các chợ, do đó cước vận tải sẽ không thể giảm ngay được. Ông Liên cho rằng, giá xăng dầu thế giới điều chỉnh lên, xuống thất thường và có tính liên tục khiến giá xăng dầu trong nước phụ thuộc và có thể thực hiện điều chỉnh tương ứng. Nhưng lĩnh vực vận tải thì không như vậy. Muốn điều chỉnh cước vận tải các doanh nghiệp không chỉ cân nhắc đến giá xăng, mà trong đó còn nhiều yếu tố như quản lý, điều hành, thuế và quan trọng là chi phí, thời gian cho việc thực hiện thay đổi giá cước như gửi hồ sơ, điều chỉnh giá đồng hồ đối với taxi, in biểu giá để thông báo...
Nếu giá xăng dầu giảm sâu như hiện nay và có thể được ổn định trong một thời gian dài thì các doanh nghiệp sẽ tính toán để có hướng giảm cước. Ảnh minh họa: TTXVN |
Bên cạnh đó, ông Liên cho biết thêm, để cầm cự và tăng tính cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp vận tải thậm chí còn phải hạ giá cước để thu hút khách… Đầu năm, khi giá xăng liên tục tăng, các doanh nghiệp taxi vẫn cố gắng giữ giá; với các doanh nghiệp du lịch, chạy hợp đồng, lượng khách giảm, nên để giữ khách các doanh nghiệp này cũng không tăng giá.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vận tải đến nay vẫn đang phải gánh chi phí đầu vào rất cao như giá điện, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giá nước, các loại phí đường bộ, sửa chữa phương tiện, khấu hao phương tiện... đều tăng. Giá xăng dầu trong nước liên tiếp giảm lần thứ 9 là tín hiệu tích cực giúp các doanh nghiệp vận tải giảm được gánh nặng chi phí đầu vào, song để giảm giá cước trong hoạt động vận tải ngay theo xu hướng giá xăng dầu là điều chưa thể thực hiện. Điều này cần có độ trễ và chính sách ổn định giá nguyên liệu từ phía Nhà nước. Nếu giá xăng dầu giảm sâu như hiện nay và có thể được ổn định trong một thời gian dài thì các doanh nghiệp sẽ tính toán để có hướng giảm cước.
Đại diện doanh nghiệp Taxi, ông Đỗ Quốc Bình - Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, thời điểm trước và đầu năm 2014, khi giá xăng liên tục tăng mạnh, hầu hết các doanh nghiệp taxi đều đã không tăng giá cước để cạnh tranh về giá, hoặc nếu có tăng nhẹ thì cũng đã điều chỉnh giảm. Do đó, khi giá xăng dầu tiếp tục giảm như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ khó có thể giảm giá cước vận tải.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, chi phí nhiên liệu trong giá cước vận tải lâu nay vẫn ở mức khoảng 40 – 45% đối với xe chạy dầu, và 45 – 50% đối với xe chạy xăng. Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã giảm nhiều lần, nhưng biên độ giảm chỉ khoảng 2 – 3% nên việc điều chỉnh cước là rất khó. Bao giờ giá cước vận tải cũng phải có độ trễ nhất định, kể cả khi tăng hay khi giảm. Do đó, cần phải có biên độ tăng giảm kéo dài thì doanh nghiệp vận tải mới có thể xoay sở được.
Để giá cước vận tải được định giá đúng, ông Bùi Danh Liên cho rằng, cơ quan chức năng nên xem xét việc xây dựng khung giá cước vận tải ở một mức hợp lý, để từ đó làm chỗ dựa để các cơ quan quản lý tham khảo, xây dựng giá cước. Về lâu dài, cũng cần phải có các cơ chế để doanh nghiệp thực hiện tái đầu tư, tích lũy và nâng cao chất lượng phục vụ.
So với mức giá xăng 25.640 đồng/lít tại thời điểm ngày 7/7, đến nay, sau 9 lần điều chỉnh giảm liên tiếp, xăng RON 92 và 95 đã giảm tới gần 4 .300 đồng/lít. Mức giảm này đang cao hơn khoảng 1.400 đồng/lít so với tổng mức tăng giá xăng dầu từ đầu năm. Dư luận đang đặt câu hỏi về nghịch lý: giá xăng dầu đã giảm đến 9 lần từ đầu năm đến nay, nhưng vẫn chưa thấy cước vận tải giảm; và thực tế độ trễ để giảm giá cước vận tải sẽ là thời điểm nào.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, xăng dầu đã giảm sâu mà cước vận tải cùng giá dịch vụ tiêu dùng không giảm tương ứng đang là một nghịch lý và khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi. Đã đến lúc, cần có bàn tay điều hành từ phía Nhà nước, những giải pháp để đưa giá cước vận tải và tiêu dùng về đúng giá trị, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.
Đức Dũng