Uber tiếp tục đối mặt với các rào cản pháp lý trên toàn cầu

Uber, dịch vụ vận chuyển hành khách theo dạng chia sẻ xe thông qua một ứng dụng di động, và là "ngôi sao" công nghệ mới nổi tại thung lũng Silicon, đang phải đối mặt với nhiều rắc rối trên toàn cầu, đe dọa sẽ chặn lại đà phát triển ngoạn mục của dịch vụ gây nhiều tranh cãi này.

Kể từ khi "ra đời" năm 2009 tới nay, Uber liên tục phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ các hãng điều hành taxi và cơ quan vận tải tại nhiều thành phố trên toàn thế giới, do cho rằng dịch vụ này sử dụng các tài xế chưa có giấy phép hành nghề, không đáp ứng các tiêu chuẩn về vận chuyển hành khách và vi phạm các điều luật về giao thông vận tải. 

Bên cạnh đó, những sai lầm trong hệ thống quản lý và lo ngại về tính cá nhân, cũng khiến Uber bị chỉ trích gay gắt. 

Tại Ấn Độ, ngày 8/12, Chính quyền thành phố New Dehli đã ban lệnh cấm các taxi Uber hoạt động trong thủ đô, sau khi một nữ hành khách tại New Dehli đã tố cáo bị một tài xế taxi cưỡng bức khi cô sử dụng dịch vụ đặt xe này. Thông tin này ngay lập tức khiến Chính phủ Ấn Độ đề nghị các chính quyền địa phương tạm ngừng hoạt động của các hãng taxi chưa đăng ký kinh doanh và bắt khách thông qua mạng Internet. Trước đó, dịch vụ Uber còn bị cho là vi phạm các quy định về hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng. Các hãng taxi truyền thống ở Ấn Độ nói rằng các lái xe Uber đã không tuân thủ luật lệ được thiết lập bởi Ngân hàng trung ương Ấn Độ, yêu cầu bất cứ hình thức thanh toán tín dụng nào cũng đều phải sử dụng quy trình thẩm định hai bước.

Thái Lan vừa lên tiếng phủ nhận tính hợp pháp của các taxi Uber.


Trong khi đó, các nhà chức trách Thái Lan cũng vừa lên tiếng phủ nhận tính hợp pháp của các taxi Uber. Trong một thông báo, Cục Giao thông vận tải đường bộ Thái Lan cho biết các tài xế phục vụ khách thông qua Uber phần lớn không được đăng ký và không được bảo hiểm để lái xe thương mại. Thêm vào đó, hệ thống thanh toán bằng thẻ tín dụng của Uber cũng bị xem là không phù hợp với các quy định hiện hành tại Thái Lan.

Ngày 9/12 vừa qua, giới chức Tây Ban Nha cho biết một tòa án ở nước này đã ra lệnh cấm hoạt động đối với dịch vụ taxi Uber. Theo quyết định của tòa án, việc các lái xe của Uber có thể sử dụng xe riêng của mình và nhận khách qua ứng dụng UberPop trên điện thoại di động mà không cần đến giấy phép hành nghề là sai quy định, đồng thời đẩy các hãng taxi truyền thống vào môi trường cạnh tranh không công bằng. Tòa yêu cầu các công ty viễn thông và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán ngừng mọi hoạt động với Uber vì hiện nay các hoạt động đặt xe và thanh toán với Uber đều được thực hiện thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động. 

Việc ban hành lệnh cấm trên được coi như một "biện pháp phòng ngừa" sau khi tòa xem xét những kiến nghị từ phía Hiệp hội taxi Madrid, cũng như những khiếu kiện từ nhiều hãng taxi truyền thống khác bởi Uber đã thu hút hầu hết khách hàng kể từ khi xuất hiện tại "Xứ sở bò tót".

Dịch vụ đặt xe giá rẻ này cũng đang vấp phải các rào cản pháp lý tại một số nước châu Âu như Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy. Nhiều hãng taxi ở khu vực này đã tổ chức biểu tình trên đường phố nhằm phản đối hoạt động của Uber. Dự kiến vào ngày 12/12 tới, tòa án Pháp cũng sẽ đưa ra phán quyết về "số phận" của dịch vụ này. Thậm chí tại Mỹ - “sân nhà” của Uber - ứng dụng này cũng không được các nhà chức trách hoan nghênh, sau khi một tài xế không có giấy phép hành nghề của Uber tại thành phố San Francisco đã bị buộc tội gây ra tai nạn dẫn tới tử vong một bé gái sáu tuổi.

Cách đây một năm, Uber chỉ hoạt động tại 60 thành phố thuộc 21 quốc gia. Tuy nhiên, tính tới nay, ứng dụng này đã được phổ biến tại trên 250 thành phố thuộc 50 quốc gia trên toàn thế giới. Đáng chú ý, giá trị thị trường của Uber đã tăng gần gấp đôi trong vòng sáu tháng qua, hiện đạt mức 40 tỷ USD. Giám đốc điều hành của Uber, Travis Kalanick mới đây đã thông báo rằng ứng dụng này vừa huy động thêm 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nhằm mở rộng quy mô hoạt động tại thị trường quốc tế, đặc biệt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhờ đó, trong năm 2015, Uber dự kiến có thể sẽ tạo ra hơn 1 triệu việc làm ở các thành phố trên thế giới và hàng triệu người có thể sẽ quyết định không "tậu" xe hơi mà sử dụng dịch vụ này.

Mặc dù được đón nhận ngày càng rộng rãi, cùng sự thuận tiện và hứa hẹn mang lại cước phí rẻ hơn so với các hãng taxi thông thường, song với những “điểm trừ” hiện tại, một số chuyên gia cho rằng nhiều nước trên thế giới vẫn có lý khi kêu gọi "tẩy chay" Uber.


Minh Trang
Thái Lan chính thức cấm dịch vụ Taxi Uber
Thái Lan chính thức cấm dịch vụ Taxi Uber

Chính phủ Thái Lan đã chính thức ra lệnh cho công ty chủ quản cung cấp Uber, dịch vụ cho đi nhờ xe mất phí qua ứng dụng trên điện thoại di động của Mỹ, ngừng hoạt động trên lãnh thổ nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN