Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất xe tải của Hãng Mitsubishi Fuso tại Kawasaki, Nhật Bản ngày 10/3/2015. Ảnh: EPA/TTXVN |
Theo đó, MHI có trách nhiệm bồi thường 120 triệu won (106.700 USD) cho bà Kim Young-Ok, 85 tuổi, và 3,25 triệu won (gần 2.900 USD) cho thân nhân của nạn nhân Choe Jeong-Rye.
Cả 2 nạn nhân này khi đang trong độ tuổi từ 13-19 đã phải lao động không công cho xưởng sản xuất máy bay của Mitsubishi ở thành phố Nagoya của Nhật Bản vào năm 1944 sau khi bị giới chủ "lừa phỉnh" rằng họ sẽ được hưởng lương và học tập ở Nhật Bản.
Đây là 1 trong 14 vụ kiện liên quan hơn 1.000 nạn nhân người Hàn Quốc đệ đơn kiện MHI trong thời gian qua. Hiện một số doanh nghiệp khác của Nhật Bản có khả năng cũng sẽ phải bồi thường cho các lao động khổ sai thời chiến.
Đây là lần thứ 2 trong vòng 4 năm qua, tòa án thành phố Gwangju ra phán quyết với nội dung tương tự. Trước đó, vào năm 2013, tòa án này đã lần đầu tiên bảo vệ quyền lợi của 5 nạn nhân lao động khổ sai thời chiến, theo đó ra phán quyết yêu cầu MHI bồi thường cho mỗi nạn nhân 150 triệu won (gần 133.286 USD).
Sau khi Mitsubishi đệ đơn kháng cáo, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã thụ lý vụ việc, song cho tới nay vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.
Bán đảo Triều Tiên từng bị Nhật Bản chiếm đóng trong giai đoạn 1910-1945, khi đó các công dân Hàn Quốc bị cấm sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ tại trường học và buộc phải dùng tên tiếng Nhật Bản. Hàng trăm nghìn công dân Hàn Quốc đã bị ép buộc gia nhập quân ngũ, phải lao động khổ sai và trở thành nô lệ tình dục thời chiến.
Vấn đề tồn tại trong lịch sử này cho đến nay vẫn gây chia rẽ 2 quốc gia láng giềng, đồng thời làm phức tạp hơn mối quan hệ song phương Hàn Quốc-Nhật Bản, cho dù cả 2 bên đều đang phải đối mặt với các mối đe dọa đến từ hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên.