Thông qua đó, góp phần tích cực hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho hơn 1,3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Thúc đẩy giảm nghèo
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng, làm cầu nối giữa Nhà nước và địa phương, chung tay chăm lo đời sống dân sinh xã hội. Đồng thời, từng bước xây dựng được niềm tin đối với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt người nghèo và những đối tượng chính sách xã hội.
Thương binh 2/4 Nguyễn Văn Cu Em (Sáu Em), ngụ tại ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư vườn lan Mokara khoảng 1.200m2, hàng năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Chia sẻ về ý nghĩa, hiệu quả từ nguốn vốn vay này, bà Lương Thị Lan Hương (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) cho biết, kể từ năm 2010 gia đình được công nhận thuộc diện hộ nghèo của địa phương, đến tháng 9/2011 đã được chính quyền địa phương và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cần Giờ hướng dẫn vay vốn trong chương trình hộ nghèo.
Với số tiền được duyệt vay là 25 triệu đồng, gia đình bà đã sử dụng làm nguồn vốn buôn bán tạp hóa, rau của và có cuộc sống ổn định hơn cho đến nay, đảm bảo cuộc sống cho gia đình có 6 nhân khẩu. Đặc biệt, do tuân thủ tốt các quy định của chương trình hộ nghèo, gia đình bà còn được xem xét cho vay vốn chương trình học sinh, sinh viên khi đứa con thứ nhất thi đậu trường Cao đẳng.
Bà Mai Thị Sáu Nàng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh cho hay, với mong muốn nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội ưu đãi đến đúng đối tượng, thúc đẩy công tác giảm nghèo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, hàng năm Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội tích cực phối hợp với Hội để tuyên truyền, phổ biến các chính sách đến người dân.
Theo đó, hiện nay trên địa bàn huyện Hóc Môn, không chỉ có nhiều hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, chi nhánh TP Hồ Chí Minh, mà còn tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Còn theo ông Trần Bá Tâm, Trưởng ban kinh tế Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh, nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội ưu đãi là nguồn lực quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.
Trong thời gian qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Ngân hàng Chính sách Xã hội, cùng sự tham gia điều hành của các cấp chính quyền địa phương, nên chất lượng tính dụng đã có chuyển biến rõ nét, điển hình về nợ quá hạn ở một số địa phương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh luôn ở mức thấp dưới 0,5%.
Đánh giá về hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong thúc đẩy công tác giảm nghèo, lãnh đạo các địa phương tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, với sự ra đời và hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội, chi nhánh TP Hồ Chí Minh, các đối tượng cho vay đã được mở rộng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nhiều đối tượng khác nhau ở nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, học tập, tạo công ăn việc làm, xuất khẩu lao động, cải thiện đời sống dân sinh. Cụ thể, qua 15 năm đã góp phần giúp hơn 225.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo các giai đoạn, qua đó giải quyết việc làm cho hơn 220.000 lao động, 88.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập...
Tại quận Phú Nhuận, trong giai đoạn từ năm 2003 - 2017, đã có hơn 11.117 lượt hộ vay trên 85,4 tỷ đồng, góp phần giúp hơn 2.500 lượt hộ vượt chuẩn nghèo. Với phương thức quản lý tín dụng thông qua ủy thác cho ba tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên, đã hình thành nên các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc này, tạo nền tảng cơ sở cho sự gắn kết giữa hoạt động cấp tín dụng với hướng dẫn, định hướng thị trường, làm quen với kinh tế hàng hóa và dịch vụ tài chính ngân hàng cho hộ nghèo cũng như các đối tượng chính sách trên địa bàn quận Phú Nhuận.
Tạo lập nguồn vốn hiệu quả
Tính đến ngày 31/8/2017, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, chi nhánh TP Hồ Chí Minh, đạt hơn 2.848 tỷ đồng, tăng 2.697 tỷ đồng (gấp 18,8 lần so với thời điểm mới đi vào hoạt động năm 2003). Bên cạnh nguồn vốn trung ương chuyển về, Ngân hàng Chính sách Xã hội, chi nhánh TP Hồ Chí Minh còn tạo lập nguồn vốn từ các kênh huy động khác như nguồn vốn nhận ủy thác cho vay tại địa phương, nguồn vốn từ thành phố cấp, nguồn vốn nhận ủy thác của các chủ đầu tư khác...
Mặt khác, nhờ vào sự linh hoạt trong các kênh huy động để tạo lập nguồn vốn, mà hiện nay Ngân hàng Chính sách Xã hội, chi nhánh TP Hồ Chí Minh, có nguồn vốn tín dụng ưu đãi bình quân đạt 8,85 tỷ đồng/xã, phường, thị trấn. Mặt khác, tổng doanh số thu nợ trong 15 năm đạt 5.970 tỷ đồng, bình quân 398 tỷ đồng/năm, chiếm 63,7% tổng doanh số cho vay. Từ đó, góp phần đáng kể trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh tạo lập nguồn vốn cho vay quay vòng các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Để phát huy được những kết quả đạt được, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Ngân hàng Chính sách Xã hội, chi nhánh TP Hồ Chí Minh, đã đặt mục tiêu phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vượt chuẩn cận nghèo và đối tương chính sách khác có nhu cầu cũng nhưu đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận đầy đủ sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh TP Hồ Chí Minh theo kế hoạch hàng năm. Trong đó, dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 8% - 10%; tỷ lệ nợ quá hạn ở mức 1%/tổng dư nợ; đồng thời đơn giản thủ tục, tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ cũng như đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ để phục vụ người dân tốt hơn.
Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội, chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này, sẽ tiếp tục tích cực huy động các nguồn vốn để cho vay, trong đó tăng cường công tác huy động gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, điểm giao dịch tại xã... Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội, chi nhánh TP Hồ Chí Minh chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, thực hiện tốt phương án xử lý, thu hồi nợ quá hạn. Đặc biệt, là thực hiện nghiêm túc công tác bình xét cho vay, đảm bảo nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội ưu đãi đến đúng đối tượng, đúng quy trình thủ tục với mức vay phù hợp.