Ngày 10/2, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã họp với các doanh nghiệp thành viên để thông báo tình hình xuất khẩu tháng 1 và bàn kế hoạch tiêu thụ gạo vụ đông xuân.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, VFA kiến nghị Chính phủ cho phép mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân, thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 1/3 và kết thúc vào ngày 15/4. Trước mắt, các doanh nghiệp chưa cần đến vốn vay hỗ trợ lãi suất từ Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ này.
Xuất khẩu tháng 1 đạt trên 485.000 tấn
Theo thống kê của VFA, tính đến 31/1, lượng gạo bán đăng ký trên hợp đồng là 1,515 triệu tấn, tăng 15,74% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng hợp đồng đăng ký trong tháng 1 cũng đạt ở mức cao, chủ yếu là 2 hợp đồng tập trung với Malaixia và Inđônêxia, chiếm trên 300.000 tấn. Xuất khẩu gạo tháng 1 của cả nước đạt trên 485.000 tấn, cao hơn kế hoạch dự kiến là 350.000 - 400.000 tấn.
Đây là tháng đầu năm có số lượng giao hàng cao nhất từ trước đến nay, nhờ đẩy mạnh giao hàng nhanh cho các hợp đồng tập trung với Inđônêxia và Bănglađét đã ký trong tháng 12/2010 và tháng 1/2011. Về trị giá cũng đạt ở mức cao, tỉ lệ tăng giá cao hơn tăng số lượng so với cùng kỳ do giá xuất khẩu bình quân tăng, chủ yếu từ các hợp đồng tập trung và các hợp đồng gạo thơm, nếp.
Đóng bao gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ). Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Một số doanh nghiệp tỏ ra lo lắng về việc Việt Nam đến nay chưa ký hợp đồng với Philíppin cho giao hàng năm 2011. Hơn nữa, do áp lực lãi suất cao nên một số doanh nghiệp phải bán nhanh với giá thấp theo các hợp đồng thương mại. Điều này đã tăng thêm áp lực giảm giá trên thị trường.
Nhưng theo ông Trương Thanh Phong thì việc tiêu thụ gạo vẫn khả quan vì đã được bổ sung bằng hợp đồng ký với Inđônêxia và Bănglađét từ cuối năm 2010 đến nay. Nếu Việt Nam ký tiếp hợp đồng với Philíppin theo thỏa thuận chính phủ và được tăng cường với các hợp đồng thị trường như Cuba, Irắc, Malaixia, số lượng hợp đồng đăng ký sẽ tăng nhanh và việc tiêu thụ lúa gạo đông xuân và hè thu sẽ thuận lợi hơn năm trước. Vì vậy, VFA dự kiến xuất khẩu gạo quý I sẽ đạt 1,6 triệu tấn; quý II có thể xuất 2,24 triệu tấn.
Sẽ tăng số doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ
Đối với chủ trương mua tạm trữ gạo vụ đông xuân, hầu hết các doanh nghiệp đều đồng tình với VFA. Có doanh nghiệp còn cho rằng, không chỉ mua 1 triệu tấn mà có thể tăng lên tới 1,5 triệu tấn tạm trữ bởi hiện nay khả năng kho bãi của các doanh nghiệp đã tăng lên rất nhiều.
Ông Cao Minh Lãm, Chủ tịch HĐQT Công ty XNK An Giang góp ý, VFA nên chủ động thông tin sớm để nông dân biết, ai có điều kiện thì trữ lại, tránh tình trạng bán đổ bán tháo khi thu hoạch rộ. Đồng thời, phải xem xét để giá mua công bố không thấp hơn 5.000 đồng/kg lúa và nên phân cho mỗi doanh nghiệp mua tạm trữ bao nhiêu.
Ông Lê Minh Trượng, đại diện Công ty Lương thực Sông Hậu cho rằng, đối với lúa mua tạm trữ nên duy trì mức giá đã công bố là 5.000 đồng/kg lúa khô tại kho của doanh nghiệp. Đặc biệt, VFA nên có biện pháp kiểm soát để các doanh nghiệp đều thực hiện, nếu không sẽ có doanh nghiệp mua giá thấp và xuất giá thấp, đồng thời nên thông báo danh sách doanh nghiệp mua tạm trữ ngay từ bây giờ.
Trước những đề nghị của doanh nghiệp, ông Trương Thanh Phong khẳng định thị trường gạo thế giới năm nay sẽ không có khó khăn lớn, vì vậy các doanh nghiệp không nên quá lo lắng. VFA sẽ công bố mua dự trữ 1 triệu tấn gạo và tối đa sẽ phân bổ 65 doanh nghiệp, tăng hơn 10 doanh nghiệp so với năm 2010, nhằm mở rộng địa bàn mua và giá mua là theo giá thị trường, không thấp hơn 5.000 đồng/kg thóc.
Ông Phong đề nghị các doanh phải báo cáo tiến độ thu mua, chuẩn bị chứng từ để khi khó khăn có thể xin Chính phủ quyết toán, hỗ trợ; doanh nghiệp thực hiện tạm trữ sẽ được phân bổ chỉ tiêu hợp đồng của Inđônêxia.
VFA nghiêm cấm bán gạo 25% vào thị trường tập trung khi chưa ký được hợp đồng chính phủ, đồng thời cũng nghiêm cấm ký bán cho tư nhân trước khi ký hợp đồng tập trung chính phủ. Khi đã ký, các doanh nghiệp có thể tự do bán nhưng phải đăng ký với VFA.
Liên Phương