Hãng ô tô điện VinFast của Việt Nam đã có bước đột phá mới khi niêm yết tại Mỹ vào tháng 8, thông qua SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt). Tiếp đó, công ty công nghệ Việt Nam VNG cũng đã nộp hồ sơ niêm yết trên sàn Nasdaq. Các sản phẩm của VNG bao gồm trò chơi, công nghệ, tài chính và phát nhạc trực tuyến.
Ông Johan Annell, đối tác của ARC Group có trụ sở tại Bắc Kinh, nói: "Vinfast đã đưa Việt Nam lên bản đồ".
Theo ông Drew Bernstein, đồng chủ tịch công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán MarcumAsia, đây vẫn chỉ là giai đoạn đầu của quá trình, khi các công ty trong nước phát triển vượt xa khả năng cung cấp vốn mà các thị trường đó cần.
CNBC đã liên hệ với 24 công ty khởi nghiệp có trụ sở chính hoặc văn phòng lớn tại Việt Nam để hỏi về kế hoạch IPO tại Mỹ của họ. Hầu hết đều cho biết việc niêm yết vẫn còn xa, nhưng cho biết có sự tăng trưởng nhanh chóng của các công ty khởi nghiệp Việt Nam trong 15 năm qua.
“Vốn dành cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã tăng lên rất nhiều so với 10 năm trước”, ông Nguyễn An Nguyên, Giám đốc Điều hành công ty khởi nghiệp Trusting Social, có văn phòng trong khu vực bao gồm Singapore và Việt Nam nói. Ông cho biết thêm, hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng phát triển đã thu hút nhiều người gốc Việt trở về quê hương, trong khi tăng trưởng kinh tế trong nước đã tăng quy mô thị trường cho các công ty trong nước.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam đã tăng 3,6 lần tính theo đầu người từ năm 2002 đến năm 2022, lên gần 3.700 USD.
Ứng dụng học tiếng Anh dựa trên trí tuệ nhân tạo ELSA có trụ sở tại Mỹ, trong khi đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Vũ Văn đến từ Việt Nam.
Bà cho biết nhờ sự thành công của Grab, ngày càng có nhiều công ty Việt Nam bắt đầu nhìn xa hơn thị trường nội địa để hướng tới kinh doanh trong khu vực. "Đối với ELSA, khi chúng tôi thành lập công ty, khát vọng của chúng tôi luôn là một doanh nghiệp có dấu ấn toàn cầu… IPO tại Mỹ sẽ giúp chúng tôi tạo dấu ấn toàn cầu đó”, bà nói.
Theo dữ liệu của Renaissance Capital tính đến ngày 29/11, trong số 103 đợt IPO của Mỹ trong năm nay, có 10 đợt đến từ các công ty có trụ sở tại Đông Nam Á – chủ yếu là Singapore và Malaysia.
Ông George Chan, lãnh đạo IPO toàn cầu tại EY kỳ vọng rất nhiều công ty từ Đông Nam Á sẽ tới giai đoạn IPO trong 12 - 18 tháng tới và cũng có thể xem xét niêm yết ở Hong Kong (Trung Quốc).
Ông Bob McCooey, Phó chủ tịch Nasdaq cho biết: “Chắc chắn có một mạng lưới rất lớn các công ty từ Đông Nam Á đang đánh giá thị trường Mỹ”. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, với điều kiện thị trường, nhiều công ty đang trì hoãn kế hoạch niêm yết sang nửa đầu năm tới.