Trao đổi báo chí, ông Lê Hải Trà (ảnh) – Ủy viên Thường trực Sở GDCK TP.HCM cho biết: M&A đang là vấn đề quan tâm của các DN, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, khi giá trị tài sản của các DN được cho là rẻ một cách tương đối. Tuy nhiên, để nắm bắt được những cơ hội đầu tư cho tăng trưởng và tạo ra giá trị tương lai cho cổ đông, đòi hỏi phải có tính kỷ luật, sẵn sàng đi ngược với xu thế của đám đông và quản lý nguồn nhân lực tài chính một cách cẩn trọng.
Thưa ông, trong những năm qua, hoạt động M&A được xem là khá sôi nổi. Tuy nhiên, có nhiều DN đang chọn M&A là một trong những chiến lược kinh doanh của họ, đây có phải là suy nghĩ đúng hay không?
Mặc dù M&A đều hướng tới việc đặt ra giá trị mới, tuy nhiên nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hơn một nửa giao dịch M&A dẫn đến sự phá hủy giá trị của doanh nghiệp, thay vì tạo ra giá trị mới như mong đợi. Một số quan sát cho thấy, động cơ phía sau của các giao dịch này, đặc biệt là các giao dịch lớn và ồn ào nhất cũng chỉ là sắp xếp lại tài chính hoặc chỉ là khẳng định “cái tôi” nào đó.
Bài học kinh nghiệm qua giao dịch M&A chỉ ra rằng, chẳng có công thức màu nhiệm nào cho một giao dịch M&A thành công. Cũng như bất kỳ các hoạt động kinh doanh nào đó, hoạt động giao dịch M&A đều có lôgic, lối đi riêng. Thực tế, những giao dịch M&A thành công nhất thường gắn liền với ý tưởng và mục tiêu cụ thể về giá trị tạo ra. Các mục tiêu rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp chủ động trong việc tìm kiếm các giao dịch tiềm năng, cũng như thiết lập các phương pháp tiến hành và đánh giá hiệu quả. Bên cạnh đó, sự tương thích của giao dịch M&A mới đem lại hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Nhiều doanh nghiệp đã vội vàng theo đuổi các giao dịch M&A, cho dù các giao dịch đó mới chỉ ít nhiều liên quan đến định hướng của các doanh nghiệp một cách chung chung mà không hề cụ thể hay định lượng được. Đây là một trong những yếu tố thất bại của nhiều doanh nghiệp khi M&A dựa trên ý tưởng và mục tiêu mơ hồ.
Ngoài ra, M&A là công cụ chứ không phải là chiến lược cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã hành động như thể M&A là chiến lược tăng trưởng kinh doanh của họ, những DN này thường xuyên hoạt động giao dịch nhằm tối đa hóa sự tăng trưởng mà không hề có chiến lược cụ thể để gặt hái sự xuất sắc về giá trị cộng hưởng từ M&A. Một giao dịch M&A có thể tạo ra giá trị về ngắn hạn, nhưng các doanh nghiệp này sẽ không tránh khỏi sự suy giảm về sự dài hạn khi các công ty mục tiêu ngày càng ít đi...
Theo ông, để giao dịch M&A thành công, doanh nghiệp phải làm gì?
Kinh nghiệm cho thấy, các doanh nghiệp phải nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty mục tiêu. Đây là một chiến lược tạo ra giá trị phổ biến nhất trong lĩnh vực M&A, thường được các quỹ đầu tư tư nhân áp dụng. Theo chiến lược này, một công ty mục tiêu được mua lại, sau đó người mua sẽ kiện toàn lại hệ thống điều hành, siết lại các khoản chi phí để cải thiện biên lợi nhuận và dòng tiền. Ngoài ra, họ thường chú trọng đến việc bảo vệ doanh thu và tạo ra tăng trưởng tiềm năng thay vì chỉ tập trung vào cải thiện chi phí.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp mắc sai lầm khi cho rằng sau khi mua lại các đối thủ cạnh tranh, là để có thể mua lại bí quyết và hệ thống quản trị doanh nghiệp để áp dụng cho chính họ. Mặc dù lôgic này có thể hợp lý, nhưng cũng có thể dẫn tới sai lầm. Thực tế cho thấy, rất khó để một doanh nghiệp yếu kém có thể cải thiện hoạt động của mình thông qua phương pháp đó. Mặt khác, trong giao dịch M&A, để nắm quyền kiểm soát công ty mục tiêu, người mua phải trả giá cao hơn giá trị giao dịch hiện tại, đặc biệt là sự giao dịch có nhiều sự quan tâm. Phần thắng khi đó sẽ thuộc về người trả giá cao nhất với những ước tính cao nhất về giá trị hợp nhất được tạo ra. Nhưng nếu cách tính quá lạc quan, thì người chiến thắng cũng chính là kẻ chiến bại.
Hải Yên