Chia sẻ tại hội thảo "Vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện phát triển bền vững" sáng 8/11, đại diện Tập đoàn Bảo Việt (1 trong số 700 doanh nghiệp trên toàn cầu đã lập Báo cáo bền vững) đã khẳng định vai trò quan trọng của Báo cáo này với hoạt động của doanh nghiệp (DN), cũng như mong muốn có thật nhiều DN Việt Nam cùng tham gia thực hiện báo cáo này.
"Trước đây, khi chưa làm báo cáo bền vững, Tập đoàn Bảo Việt với hàng nghìn chi nhánh trên cả nước không biết được một ngày tiêu tốn bao nhiêu điện năng. Báo cáo bền vững đã giúp chúng tôi nhận thấy một ngày tiêu đến 2 tỷ đồng tiền điện. Ngay sau đó, chúng tôi đã có giải pháp tiết kiệm năng lượng như sử dụng bóng đèn điện thay thế... Một ngày chúng tôi tiết kiệm được 500 triệu đồng, con số tiết kiệm không nhỏ trong 1 năm đối với DN", bà Nguyễn Thanh Hoa, Trưởng ban Truyền thông – Thương hiệu của DN chia sẻ.
Đó chỉ là một trong rất nhiều tác động tích cực của Báo cáo bền vững đối với hoạt động của Tập đoàn Bảo Việt. Không những thế, nó đã "tái cấu trúc" gần như toàn bộ hoạt động của DN này.
Theo bà Hoa, hoạt động phát triển bền vững (PTBV) ban đầu nhiều người nghĩ chủ yếu là hoạt động cộng đồng, từ thiện nhưng nhiều hơn thế, nó đi từ chất lượng sản phẩm, con người… liên quan đến tổng thể các yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội.
Các hoạt động xã hội của DN khi chưa có Báo cáo bền vững thì không thực sự liên quan đến chiến lược của DN. Nay có báo cáo, chúng tôi tập trung vào các dự án y tế, môi trường, xóa đói giảm nghèo hay giáo dục, gắn kết với chính hoạt động của Tập đoàn. Trước đây, một năm có khi DN chi đến 50 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội, bây giờ giảm xuống 30 tỷ đồng nhưng hiệu quả và gắn với hoạt động kinh doanh của DN.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã theo dõi Báo cáo bền vững của DN để quyết định mua cổ phiếu. Vì vậy, trong con mắt khách hàng, các vấn đề liên quan đến PTBV sẽ giúp hình ảnh DN tốt lên. Việc lập Báo cáo bền vững, DN đã tái cấu trúc lại các hoạt động, lấy lại thị phần số 1 trên thị trường bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ tại Việt Nam.
Trong khi đó, Tập đoàn Nestle Việt Nam đã thực hiện hành trình PTBV từ năm 2011. Trong lĩnh vực thế mạnh là chế biến sản phẩm cà phê, Tập đoàn đã hoàn thiện liên kết chuỗi từ người nông dân đến người tiêu dùng, thu mua 20-25% tổng sản lượng cà phê Việt Nam để chế biến sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
Để có nguồn nguyên liệu sạch, DN này đã hỗ trợ 27 triệu cây giống cho người nông dân hướng đến canh tác bền vững, hơn 21.000 nông dân được cấp chứng nhận quốc tế 4C, giúp nâng cao giá trị của hạt cà phê Việt Nam. Sản phẩm của Nestle Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 20 nước trên thế giới.
"Chúng tôi nhận thấy càng thực hiện các chương trình PTBV thì hoạt động kinh doanh của DN càng tốt hơn. 3 năm qua DN luôn trong Top 100 DN đóng thuế nhiều nhất Việt Nam và thứ hạng ngày càng được nâng cao", bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại Nestle Việt Nam cho hay.
Báo cáo bền vững là thông lệ đo đếm, công bố và chịu trách nhiệm của DN trước các bên liên quan về các hoạt động của mình nhằm hướng tới PTBV. Các DN xây dựng và công bố Báo cáo bền vững đánh giá và công bố những thông tin về hiệu quả hoạt động của DN trên các khía cạnh môi trường và xã hội bên cạnh những thông tin về hiệu quả hoạt động tài chính và quản trị vốn.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng DN vì sự PTBV (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho biết: Báo cáo bền vững nói ngắn gọn là công cụ để đo lường tính bền vững của DN. Sau 3 năm làm việc với các chuyên gia trong và ngoài nước, năm 2015, VBCSD đã công bố bộ chỉ số bền vững (CSI). Chính phủ đã giao VCCI phối hợp với các bộ ngành tuyên truyền, khuyến khích để ngày càng có nhiều DN áp dụng bộ chỉ số vào hoạt động kinh doanh.
Bộ chỉ số CSI có 131 chỉ tiêu trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Nếu áp dụng được thì việc hoạch định chiến lược của DN – 1 trong những khâu yếu nhất của DN cùng với quản trị sẽ được cải thiện.
"Từ năm 2016, VCCI và các Bộ, ngành đã phối hợp thực hiện bảng xếp hạng các DN bền vững dựa trên bộ chỉ số CSI. Tin vui là ngày càng có nhiều DN hưởng ứng tham gia bảng xếp hạng, chất lượng hồ sơ và DN ngày càng được hoàn thiện. Nếu như những năm 2016 – 2017, đại đa số DN có vốn đầu tư nước ngoài tham gia bộ chỉ số này thì năm 2018 tỷ lệ DN Việt Nam, DN vừa và nhỏ tham gia bảng xếp hạng đã được cải thiện rất nhiều", ông Vinh vui mừng cho hay.
Theo mục tiêu đã được Chính phủ phê duyệt trong giai đoạn 2017 - 2020, Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống thể chế PTBV; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PTBV quốc gia. Muộn nhất trong năm 2018 sẽ hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức; Xây dựng và ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu PTBV đến năm 2030.