Làm giàu từ hai bàn tay trắng

Năm 1982, Trần Văn Xuân xuất ngũ về quê tại xã Xuân Đan, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nhiệm vụ của người lính đã đưa Xuân đi tới nhiều miền quê trên đất nước. Xuân đã thấy được nhiều người do năng động trong cách làm ăn mà giàu lên nhanh chóng.


Năm 1989, sẵn có một ít vốn liếng tích cóp được và nghề mộc ông cha truyền cho, Xuân bàn với vợ quyết định mở xưởng mộc sản xuất ghế tiện, xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Toàn bộ vốn liếng huy động của anh em họ hàng, bạn bè, đồng đội cộng với vay ngân hàng được hơn 400 triệu đồng, Xuân bỏ vào xây nhà xưởng, mua máy móc, gỗ, thuê công nhân, bắt tay vào sản xuất.

Anh Trần Văn Xuân chăm sóc cây cảnh.


Năm đầu tiên xưởng mộc của Xuân bán được một lượng hàng khá lớn doanh thu hơn 200 triệu đồng. Công việc đang xuôi chèo mát mái, thì các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Toàn bộ số hàng sắp xuất xưởng cùng với toàn bộ máy móc, nhà xưởng phải thanh lý với giá rẻ mạt để trả lương thôi việc cho công nhân. Gần 650 triệu đồng vốn liếng, với thời giá lúc bấy giờ vào khoảng 1.500 cây vàng của vợ chồng Xuân tan thành mây khói. Công nhân thất nghiệp, giám đốc cũng thất nghiệp. Từ một ông chủ tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng, Xuân trở thành kẻ cùng đinh, hai bàn tay trắng.

Nghề nông ở vùng bãi ngang quê anh chỉ làm một vụ lúa, lo cho đủ ăn đã khó nói chi đến chuyện làm giàu. Không chịu ngồi nhìn cảnh vợ con nheo nhóc, Xuân khăn gói ra đi, bắt đầu những ngày tha phương tìm việc làm, manh nha tìm kiếm cách làm ăn mới cho mình tiếp tục nuôi mơ ước làm giàu.

Suốt 15 năm lưu lạc kiếm sống, Xuân làm đủ nghề: Từ làm mộc ở đất Lào, lái xe tốc hành Hà Tĩnh - Sài Gòn, lên Đắk Lắk làm cà phê. Cà phê rớt giá, anh lại quay về với nghề tiện gỗ… Bằng tài năng, nghị lực và sự chắt chiu của mình, Xuân đã kiếm được một số vốn kha khá.


Sau nhiều đêm trăn trở, suy tính, Xuân thấy chỉ có cách làm giàu ngay trên quê hương mình là chắc chắn nhất. Thấy đời sống người dân thời đổi mới ngày một nâng cao, nhà nhà đua nhau xây nhà đẹp.

Nhà đã đẹp thì khuôn viên càng phải đẹp, nên thú chơi cây cảnh lan đến từng nhà. Sẵn có lòng đam mê chơi cây cảnh từ nhỏ, cộng với kiến thức học được trong 15 năm lưu lạc quê người, Xuân nghĩ ngay đến việc kinh doanh cây cảnh. Mặc dù vậy, cái “dớp” xưởng mộc năm nào còn ám ảnh, Xuân chỉ dám làm thí điểm, mày mò tự thiết kế rồi tự mình làm khuôn để đổ chậu cảnh. Còn cây cảnh thì anh lần mò đi tìm khắp các bờ bụi, lặn lội lên cả sườn núi Hồng Lĩnh tìm cây thế, cây hoa…mang về trồng.

Làm “chơi” thế mà lại “ăn” thật. Số cây sanh thế, mưng (lộc vừng), duối, mẫu đơn, sộp… anh trồng lên, chăm sóc, uốn tỉa được nhiều khách tìm đến mua với giá cao. Hầu hết số cây Xuân tìm, đào về “trồng cho vui” thế mà bán được mỗi cây từ vài trăm đến dăm trăm ngàn đồng. Đặc biệt có cây như cây sanh thế “nhặt được” ven núi Hồng Lĩnh, trồng, tỉa tót công phu đã bán được giá tới 20 triệu đồng, hay mấy cây lộc vừng dáng đẹp, đào từ bờ ruộng về trồng vài năm, mới ra hoa lần đầu, mỗi cây cũng bán được 5 - 7 triệu đồng…

Tiếng lành đồn xa, nhiều khách hàng ở xa cả trăm cây số cũng đánh xe đến đặt hàng. Xuân mừng lắm, anh quyết định làm đơn vay thêm ngân hàng, thuê thợ khéo tay về, lập xưởng đúc chậu cảnh, tìm mua cây cảnh, mở cửa hàng kinh doanh chậu hoa, cây cảnh.



Không vay mượn nhiều như lần trước, lần này, bán được bao nhiêu, Xuân dùng số tiền đó kinh doanh tiếp. Để nắm bắt được thị hiếu của khách, Xuân tìm cách khai thác triệt để những vị khách đến mua cây, mua chậu cảnh và đến từng nhà các “đại gia” sành cây cảnh trong xã, trong huyện, cả các thành phố gần xa… tìm hiểu sở thích của họ mà cải tiến hình dáng chậu cảnh, tạo dáng cây, tìm loài cây “ăn khách”…

Nhờ thế, sau 5 năm kinh doanh, chậu hoa, cây cảnh của anh ra đến đâu hết đến đó. Mỗi tháng, trung bình lãi ròng khoảng 30 triệu đồng. Từ chỉ một ngôi nhà cấp 4 xoàng xĩnh, Xuân đã xây được nhà 3 tầng với giá thành 1 tỷ đồng.


Xưởng của Xuân thường xuyên có 6 công nhân làm việc được anh trả lương 3 triệu đồng/tháng. Khách hàng của Xuân không chỉ ở trong huyện, trong tỉnh mà đã vươn xa ra các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Hải Phòng…



Không dừng ở đó, đầu năm 2010, Xuân còn mở thêm một cơ sở kinh doanh chậu hoa, cây cảnh nữa ở thành phố Vũng Tàu do con gái anh phụ trách. Cơ sở này gồm 6 công nhân, thu nhập gấp rưỡi cơ sở ngoài quê anh. Cơ sở tại Vũng Tàu của anh mỗi tháng lãi ròng tới 45 triệu đồng.

Từ hai bàn tay trắng, Xuân đã gây dựng nên cơ nghiệp cho mình ngay trên quê hương mình, Trần Văn Xuân đã trở thành một mô hình làm kinh tế giỏi, một “ông chủ”, một “nhà cây cảnh” nổi tiếng của huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. 

Nguyễn Xuân Diệu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN