Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào đầu tư chất lượng cao. Theo ông, FDI chất lượng cao sẽ hỗ trợ kinh tế Việt Nam như thế nào?
Nhiều năm qua, Việt Nam đã chuyển đổi thành công thành một nền kinh tế với xuất khẩu là chủ đạo, và FDI có vai trò quan trọng. Trong đó, doanh nghiệp FDI đóng góp hơn 70% vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ngành sản xuất điện tử và dệt may là động lực chính. Đầu tư chất lượng cao bao trùm nhiều lĩnh vực như chất bán dẫn, năng lượng tái tạo, hệ sinh thái xe điện và các sản phẩm/dịch vụ hỗ trợ, logistics và kho bãi, trung tâm dữ liệu, ngành hàng tiêu dùng nhanh, thương mại điện tử cũng như giáo dục bậc cao. Đây là những ngành có giá trị gia tăng giúp đưa tăng trưởng định đính của Việt Nam lên một tầm cao mới.
Trong 35 năm qua, Việt Nam đã tìm hiểu và trải nghiệm lợi ích của việc thiết lập hệ sinh thái chuỗi cung ứng sản xuất. Chiến lược tập trung hơn vào thu hút FDI chất lượng cao là hướng đi hoàn toàn đúng đắn và đáng hoan nghênh. Tập trung xem xét, xây dựng môi trường pháp lý toàn diện và hoạt động liên quan có lợi cho việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực đó đều quan trọng. Có nhiều hình thức ưu đãi ngoài thuế, bao gồm các yếu tố mà nhiều công ty đa quốc gia sẽ cân nhắc trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Thứ nhất, liệu thực sự có triển vọng hứa hẹn dành cho những ngành mang lại giá trị cao bao gồm cả sự sẵn sàng của các nhà cung ứng nội địa liên quan hay không; thứ hai, liệu có những nỗ lực nào nhằm tạo ra một hệ sinh thái bền vững xung quanh các lĩnh vực đó đang được thực hiện tại Việt Nam hay không; thứ ba, quan điểm xung quanh sự sẵn có của các nguồn lực chất lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật và nghiên cứu R&D; và cuối cùng là sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp cũng như các quy định.
Tại Việt Nam, những lĩnh vực nào thu hút FDI chất lượng cao nhiều nhất, thưa ông?
Có một số đặc tính hoặc đặc điểm thúc đẩy thị trường mà Việt Nam đã gặt hái được trong những năm qua. Những đặc điểm này giúp định hình các lĩnh vực hấp dẫn nhất đối với FDI chất lượng cao.
HSBC cho rằng, đến năm 2030, thị trường tiêu dùng nội địa của Việt Nam sẽ vượt Anh, Đức, Thái Lan và vươn lên top 10 toàn cầu. Kết quả này là nhờ tầng lớp trung lưu đang gia tăng và dân số trẻ, am hiểu công nghệ. Thương mại điện tử, trung tâm dữ liệu, hàng tiêu dùng nhanh và giáo dục bậc cao đều sẽ là những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao phù hợp. Việt Nam cũng may mắn sở hữu những điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp lĩnh vực năng lượng tái tạo hoạt động thành công. Việt Nam cũng có kinh nghiệm và kiến thức thu góp được trong 35 năm qua để thiết lập hệ sinh thái chuỗi cung ứng sản xuất. Điều này sẽ hỗ trợ thu hút vốn FDI chất lượng cao vào sản xuất chất bán dẫn và ngành công nghiệp xe điện nói chung, bên cạnh lĩnh vực điện tử.
Hiện Việt Nam đang tập trung vào FDI chất lượng cao, ông có cho rằng chính sách này sẽ hạn chế cơ hội của Việt Nam trong thu hút FDI?
Tập trung vào FDI chất lượng cao là hướng đi hoàn toàn đúng đắn xét trên quan điểm chiến lược. Và để hiện thực hóa điều này, cơ sở hạ tầng liên quan và hệ sinh thái chuỗi cung ứng cần phải được khởi động và tăng tốc. Tuy nhiên, FDI trong nhiều lĩnh vực và ngành công nghiệp khác nhau vẫn đóng vai trò rất lớn trong sự thành công của Việt Nam. Phải mất nhiều năm để hệ sinh thái sản xuất điện tử được thiết lập và mang lại thành quả. Đầu năm 2000, xuất khẩu hàng điện tử chỉ chiếm dưới 5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, nó chiếm hơn 35%. Như vậy, quan sát cho thấy rằng phải mất nhiều năm để thiết lập một lĩnh vực hay ngành công nghiệp mới và kết nối chúng vào hệ sinh thái rộng lớn. Do đó, chúng ta nên tránh nhận thức rằng Việt Nam chỉ tập trung chủ yếu vào các FDI chất lượng cao, mà nên hiểu rằng Việt Nam cũng cần giảm thiểu rủi ro từ bất kỳ lỗ hổng tiềm tàng nào trong dòng vốn FDI, vốn rất quan trọng đối với xuất khẩu cũng như nền kinh tế của đất nước.
HSBC có thể hỗ trợ doanh nghiệp FDI và kết nối họ với những lĩnh vực giá trị cao như thế nào, thưa ông?
HSBC Việt Nam có thể hỗ trợ hiệu quả trong việc tạo mối liên kết giúp các khoản đầu tư FDI chất lượng cao chảy vào Việt Nam. Mạng lưới quốc tế rộng lớn cho phép chúng tôi tập trung và kết nối với các công ty đa quốc gia đang xem xét thâm nhập vào thị trường Việt Nam. HSBC hỗ trợ cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong suốt 153 năm tại Việt Nam, điều đó đã góp phần giúp chúng tôi thấu hiểu thị trường địa phương cũng như có thể tư vấn hiệu quả cho các công ty đa quốc gia trên toàn cầu và trong khu vực trong việc định hướng hành trình gia nhập thị trường Việt Nam. HSBC cũng tự hào là ngân hàng hàng đầu thị trường về tài chính bền vững trên thế giới, và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tăng trưởng bền vững cho Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông!