Mặc dù giá tôm nguyên liệu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có dấu hiệu tăng cao nhưng các chuyên gia ngành thủy sản vẫn khó có thể đưa ra dự báo về triển vọng xuất khẩu tôm trong năm 2013. Nguyên nhân là những vấn đề như: dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, chi phí sản xuất cao… vẫn chưa được giải quyết.
Nhiều trở ngại
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL đang tăng cao. Từ đầu tháng đến nay, các thương lái đang thu mua tôm sú loại 20 con/kg với giá 250.000 - 260.000 đồng/kg; loại 30 con/kg từ 160.000 - 170.000 đồng/kg; tăng bình quân 10.000 - 30.000 đồng/kg so với tháng trước và là mức giá cao nhất trong một năm qua.
Phân loại tôm chuẩn bị đưa vào sơ chế tại Công ty Fimex Việt Nam (Sóc Trăng). ảnh: an đăng - ttxvn |
Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi tôm cho biết, giá tôm tăng cao nhưng hầu hết người nuôi không còn tôm để bán do đang vào vụ nghịch. Hơn nữa, năm 2012, tôm nuôi ở ĐBSCL bị dịch bệnh, chết tràn lan khiến nhiều hộ nuôi tôm bỏ nghề nên sản lượng tôm giảm trầm trọng.
Bên cạnh đó, ngành tôm luôn phải đối mặt với vấn đề thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng. Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú, cho biết, giá tôm nguyên liệu trong nước cao hơn từ 20-30% so với Ấn Độ, 30% so với Êcuađo…, trong khi giá xuất khẩu tôm Việt Nam chỉ tương đương các nước khác. Không chỉ gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu, các doanh nghiệp chế biến tôm cũng vừa trải qua một năm lao đao tại hầu hết các thị trường nhập khẩu chính. Trong top 10 thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam, chiếm khoảng 95% tổng giá trị, có đến 5 thị trường sụt giảm mạnh về giá trị, bao gồm: Mỹ giảm 15,6%, EU 25%, Canađa 14%, ASEAN 22%, Thụy Sĩ gần 11%. Chưa hết, điều đáng lo ngại nhất đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn là vấn đề “hàng rào kỹ thuật Ethoxyquin” được “dựng” lên tại thị trường Nhật Bản với yêu cầu tôm nhập khẩu vào nước này thì dư lượng chất Ethoxyquin không quá 0,1ppm. Quy định này khiến người nuôi tôm trong nước gặp khó khăn. Không những thế, tại thị trường Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét đơn kiện chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ 7 nước, trong đó có Việt Nam, do nghi ngờ ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm của các nước này nhận trợ cấp không chính đáng từ chính phủ.
Theo VASEP, hàng loạt những khó khăn trên đã khiến 1/3 số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu mặt hàng tôm. Một số doanh nghiệp còn hoạt động thì lựa chọn giải pháp nhập khẩu tôm nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu nhằm giữ chân khách hàng.
Những giải pháp để vượt qua
Với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD trong năm 2013, ngay từ đầu năm, ngành thủy sản xác định, việc ổn định nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu là vấn đề trọng tâm của ngành. Theo đó, “giải cứu” cho các vùng nuôi tôm là khâu đột phá chính. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vũ Văn Tám cho biết, trước mắt, ngành sẽ tập trung vào công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm hiệu quả, phổ biến rộng rãi những phương pháp nuôi tôm đảm bảo tiêu chuẩn dư lượng hóa chất Ethoxyquin... đến các hộ nuôi tôm.
Chuyển hướng thị trường cũng là một trong những giải pháp mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Ông Bùi Đức Quý, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm QVD Đồng Tháp (QVD Dong Thap Co., Ltd) nhận định, giá cá tra, tôm tại Mỹ đang giảm và sẽ còn tiếp tục giảm trong năm 2013. Vì vậy năm nay, công ty có chiến lược thận trọng hơn tại thị trường Mỹ.
Ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch VASEP, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho rằng, Nhà nước cần đầu tư quy hoạch vùng tôm nguyên liệu sạch cho chế biến và xuất khẩu. Theo đó, Nhà nước đứng ra tổ chức, doanh nghiệp xây dựng vùng nuôi tôm công nghiệp, các khu sản xuất tôm nguyên liệu đạt chất lượng, đảm bảo cung ứng đủ cho ngành chế biến. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền thì cho rằng, các địa phương tăng cường công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý sản xuất giống. Bên cạnh đó, nhiều DN cho rằng, cộng đồng DN cần chia sẻ để có thể có được mức giá bán tốt nhất không chỉ với DN mà cho cả người nuôi tôm; chủ động khai thác các thị trường có thế mạnh khác ngoài thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản…
Thúy Hiền