Đầu tư cho công nghệ - bước đi chiến lược để thành công

Theo công bố gần đây của Bộ Khoa học và Công nghệ về mức độ hiện đại hệ thống công nghệ, dây chuyền thiết bị của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, hiện chỉ có 10% DN có dây chuyền thiết bị hiện đại, 38% đạt mức trung bình và có tới 52% ở mức lạc hậu!

Dây chuyền Aseptic của Tân Hiệp Phát.


Trong khi đó, hội nhập quốc tế khiến cho môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt và đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết để thành công. Điều này đòi hỏi DN phải có ý thức và hành động đầu tư cho công nghệ một cách quyết liệt.

Yêu cầu bức thiết

Không chỉ các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới công nghệ về mặt lý thuyết, mà thực tiễn cũng đã chứng minh, đổi mới công nghệ sẽ giúp DN, nhà sản xuất giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu; cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn sản xuất cho người và thiết bị, giảm tác động xấu đến môi trường. Đặc biệt, về mặt lợi ích thương mại, nhờ đổi mới công nghệ, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, được NTD tín nhiệm củng cố, duy trì và mở rộng thị phần của sản phẩm.

Bộ KH&CN nhận định, đổi mới công nghệ mang lại hiệu quả rất thiết thực, nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì công nghệ được xem là vũ khí cạnh tranh mạnh mẽ nhất. Đổi mới công nghệ còn tạo ra những sản phẩm tiên tiến hơn, chất lượng sản phẩm nâng cao hơn, chi phí sản xuất giảm, hạ được giá thành sản phẩm, ưu thế cạnh tranh trên thị trường ngày càng tốt hơn.

Bất kỳ một DN nào nếu không có những hoạt động nhằm đổi mới công nghệ thì chắc chắn hệ thống công nghệ, dây chuyền sản xuất, máy móc, trang thiết bị… sẽ trở nên lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, dẫn đến bị đào thải, làm cho sự tồn tại và phát triển của DN bị đe dọa. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt thì việc lười biếng đầu tư cho công nghệ lại càng là hành động tự… tiêu diệt mình. Đây là điều không còn phải bàn cãi.

Mặc dù vậy, điều đáng buồn là theo kết quả của hầu hết các cuộc khảo sát của ngành khoa học công nghệ tại các DN của ta về đổi mới, đầu tư công nghệ thì vẫn còn quá ít DN có trình độ công nghệ cao, dám đầu tư; số DN có trình độ công nghệ thấp, lạc hậu, manh mún, không đồng bộ… chiếm số đông! Điều này là nguyên nhân khiến cho sức cạnh tranh của cộng đồng DN Việt Nam nói chung còn hạn chế trên thương trường, nhất là trong quá trình hội nhập. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều chủ DN còn chưa có tầm nhìn xa, chưa xây dựng được chiến lược đầu tư dài hơi cho DN mình, còn thiếu kinh phí, trông chờ ỷ lại nguồn ngân sách nhà nước, còn có tư tưởng “ăn xổi”…

Công nghệ tốt, hiệu quả cao

Trong bối cảnh chung nhiều DN còn lười đầu tư cho công nghệ, thiết bị, thì lóe sáng những DN đã chú trọng, mạnh dạn đổi mới công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, thay thế hàng nhập khẩu, giảm giá thành, được nhiều NTD tín nhiệm, tin dùng.

Đơn cử, ở ngành thép, hầu hết các DN đều chú trọng đầu tư công nghệ, đổi mới dây chuyền sản xuất hiện đại, cao cấp để có thể cho ra lò những sản phẩm cạnh tranh. Ví dụ, Công ty CP Thép DANA - Ý, Đà Nẵng đầu tư tới 500 tỷ đồng để sắm dây chuyền công nghệ luyện Consteel trong sản xuất thép. Đây là dây chuyền công nghệ luyện thép có chức năng nạp liên tục nên tiết kiệm rất nhiều điện năng và hạn chế ô nhiễm môi trường cao. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Pin Ắc quy miền Nam (Pinaco) cũng vừa đưa nhà máy thứ 4 đi vào hoạt động với thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại nhập từ Mỹ và châu Âu. Nhà máy sẽ đưa ra thị trường các dòng sản phẩm ắc quy cao cấp.

Ngành nước giải khát với ý thức trách nhiệm cao về chất lượng sản phẩm và sức khỏe NTD cũng là ngành nghiêm túc trong việc đầu tư công nghệ cho sản xuất. DN chuyên sản xuất đồ uống có nguồn gốc thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe Tân Hiệp Phát là một ví dụ điển hình. Tân Hiệp Phát là DN Việt Nam đầu tiên đạt chứng nhận đầy đủ nhất trong lĩnh vực thực phẩm bao gồm: Hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ISO 9001:2000, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001: 2004, hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn HACCP. Bên cạnh đó, Tân Hiệp Phát đã mạnh dạn đầu tư chi phí rất lớn cho những dây chuyền công nghệ sản xuất châu Âu hiện đại bậc nhất thế giới với công suất 30.000 chai/ giờ, đáp ứng năng lực sản xuất mạnh mẽ để cung ứng liên tục cho thị trường.

Tân Hiệp Phát là DN đầu tiên tại Việt Nam đưa công nghệ chiết lạnh vô trùng Aseptic vào sản xuất nước giải khát. Chi một khoản tiền khá lớn lên đến hàng triệu USD cho việc đầu tư công nghệ chiết lạnh này tại thời điểm đó, quả là một bước đi táo bạo nhưng cũng đầy tính chiến lược của Tân Hiệp Phát. Bởi đây là dây chuyền chiết lạnh vô trùng có khả năng giữ lại cao nhất các chất dinh dưỡng cần thiết trong nguyên liệu tự nhiên và đảm bảo tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm trong từng công đoạn sản xuất. Nhờ đó, hầu hết các sản phẩm của Tân Hiệp Phát như Trà thảo mộc Dr Thanh, Trà xanh Không độ, nước tăng lực Number 1… dù xuất hiện trên thị trường đã lâu nhưng càng ngày càng được NTD tin dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN