Một trong những đơn vị tiên phong của tỉnh Tuyên Quang trong việc sử dụng giống cây từ phương pháp nuôi cấy mô là Công ty lâm nghiệp Hàm Yên. Để tiết kiệm chi phí, vừa để công nhân có thêm kinh nghiệm chăm sóc cây giống đơn vị đã mua cây mạ (cây đã ra rễ) về chăm sóc và đưa ra vườn luyện. Đến nay, tổng diện tích trồng keo lai mô của đơn vị đạt 300 ha.
Ông Bùi Thiện Tôn, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty lâm nghiệp Hàm Yên cho biết, cây keo lai mô đã được đơn vị đưa vào trồng từ năm 2014, qua quá trình phát triển, rừng trồng keo lai mô sinh trưởng phát triển tốt, độ đồng đều cao, tỷ lệ cây bị chết, gãy đổ do gió và mưa to thấp hơn sơ với keo lai hom. Dù chưa được khai thác nhưng nhìn chung rất triển vọng. Năm 2017, đơn vị có kế hoạch trồng thêm trên 80 ha keo lai mô.
Tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chiêm Hóa, việc thay đổi giống cây lâm nghiệp để nâng cao chất lượng rừng trồng đã được đơn vị chú trọng. Bên cạnh việc sử dụng các giống mới như giống keo PV10, PV16 thì cây giống theo phương pháp nuôi cấy mô được ưu tiên lựa chọn. Các hộ liên doanh với công ty cũng có nguyện vọng trồng rừng nhận khoán bằng giống keo lai mô, bởi tính ưu việt của giống cây được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, thôn Tân Thịnh, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa cho biết, năm 2016, gia đình ông nhận liên doanh với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chiêm Hóa trên diện tích 2,8 ha. Trên diện tích đó, một phần ông trồng keo mô, diện tích còn lại trồng keo lai dâm hom, qua quá trình chăm ông thấy giống keo cấy mô phát triển nhanh hơn hẳn cây keo lai dâm hom, tỷ lệ gãy đổ thấp và tỷ lệ sống sót cũng cao hơn cây keo lai dâm hom.
Nhiều ưu điểm là vậy nhưng do việc sản xuất cây giống theo phương pháp nuôi cấy mô rất phức tạp, trước đây ở Tuyên Quang vẫn chưa có đơn vị nào sản xuất được giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Vì vậy, việc tiếp cận cấy giống gặp nhiều khó khăn, đơn vị nào có nhu cầu đều phải đặt mua cây giống tại Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy tại Phù Ninh (Phú Thọ) hoặc ở Viện lâm nghiệp Việt Nam chi phí cao gấp 1,5 đến 2 lần so với giống keo thường nhưng số lượng cũng hạn chế.
Trước tình hình đó, tháng 5/2016 tỉnh Tuyên Quang đã cho triển khai dự án sản xuất keo bằng phương pháp nuôi cấy mô. Sau hơn 1 năm, Trung tâm thực nghiệm thực hành và chuyển giao khoa học kỹ thuật, Trường Đạị học Tân Trào đã làm chủ công nghệ, sản xuất được hơn 50 vạn cây keo. Đây cũng là đơn vị đầu tiên và cũng duy nhất ở Tuyên Quang sản xuất keo bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm thực nghiệm thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ, Trường Đại học Tân Trào cho biết, cây keo được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô có những ưu điểm vượt bậc như tính chống đổ cũng như là chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cũng như chất lượng của rừng trồng bằng keo lai nuôi cấy mô tốt hơn rất nhiều so với các giống keo trồng bằng dâm hom hay là keo hạt.
Từ năm 2018 đến năm 2020, mỗi năm đơn vị phấn đấu đưa ra thị trường 1,5 triệu cây. Với cơ sở, trang thiết bị hiện có, kết hợp với đội ngũ cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm, đơn vị có thể sản xuất với số lượng cây giống lên tới hàng triệu cây mỗi năm đáp ứng đủ nhu cầu trồng rừng trong tỉnh.
Anh Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, keo lai mô bắt đầu được các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đưa vào trồng từ năm 2013, đến nay toàn tỉnh có khoảng 360 ha.
Thực tế, tại một số địa phương như: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế năng suất rừng trồng bằng keo lai mô có ưu thế vượt trội so với rừng trồng bằng keo lai dâm hom. Tuyên Quang cũng đang xây dựng Nghị quyết để hỗ trợ cây giống chất lượng cao; trong đó, có cây keo được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, cây keo hạt nhập ngoại với mục tiêu đến năm 2020 thì 80% cái diện tích rừng trồng sản xuất của tỉnh là được trồng bằng cây giống chất lượng cao.
Tuyên Quang có khoảng 450.000 ha đất lâm nghiệp, trung bình mỗi năm tỉnh khai thác trên 300.000 m3 gỗ rừng trồng các loại phục vụ nhu cầu của các nhà máy và cơ sở chế biến. Tuy nhiên, năng suất rừng trồng chỉ đạt trung bình 70 m3/ha. Nguyên nhân chính là do nguồn cây giống chất lượng chưa cao, chủ yếu là giống keo nhân bằng hạt hoặc keo lai dâm hom.