Bảo hiểm cháy nổ - Đã đến lúc cần nhìn nhận đúng

Vụ nổ kinh hoàng tại nhàhẻm số 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa,Q.3 rạng sáng ngày 24/2 vừa qua khiến 11 người chết và nhiều người bị thương, thiệt hại về tài sản rất lớn khó có thể ước tính. Ngoài những đau thương mất mát về người và của thì câu hỏi đặt ra đối với các cơ quan chức năng và người dân là phải làm sao để những vụ việc như trên không còn xảy ra?

 

Thực tế đau lòng

 

Nhìn lại tình hình cháy nổ một thập niên qua, có thể thấy an toàn cháy nổ đang ở mức báo động. Theo thống kê của Bộ Công An, trong 10 năm trở lại đây, cả nước đã xảy ra 16.767 vụ cháy ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân và 6.109 vụ cháy rừng, làm chết 688 người, bị thương 1.848 người. Về tài sản ước tính trị giá 4.187 tỷ đồng và 42.332 ha rừng có giá trị kinh tế.

 

Như vậy, trung bình mỗi năm xảy ra 1.677 vụ cháy, làm chết và bị thương 254 người (chết khoảng 60 người mỗi năm), thiệt hại về tài sản trị giá 419 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày xảy ra 6 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 8 người. Trong đó, bàng hoàng nhất phải kể tới các vụ cháy tòa nhà ITC vào chiều ngày 29/10/2002 đã cướp đi sinh mạng 60 người, làm 70 người khác bị thương. Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ, trong năm 2012, cả nước xảy ra 6.777 vụ tai nạn lao động làm 606 người chết. Cùng năm cũng xảy ra 1.751 vụ cháy làm 73 người chết, 136 người bị thương, thiệt hại về tài sản trị giá 1.114 tỉ đồng; 29 vụ nổ, làm chết 11 người, bị thương 50 người, thiệt hại về tài sản ước tính 307 tỉ đồng. Theo Sở PCCC TP.HCM, năm 2012 chỉ tính riêng tại TP.HCM có 121 vụ cháy, làm chết 9 người, bị thương 12 người. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 9 tỉ đồng, chưa kể 18 vụ tự đốt.

 

Ngoài những nguyên nhân khách quan khiến tình trạng cháy nổ diễn biến phức tạp thì cần phải nhấn mạnh rằng nguyên nhân chính phát xuất từ các yếu tố chủ quan. Các doanh nghiệp và người dân vẫn chưa có những quan tâm cũng như nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác phòng chống cháy nổ. Mặc dù ngay từ tháng 4/2007, Bộ Tài Chính ban hành Quyết định số 28/2007/QĐ-BTC về việc ban hành cháy nổ bắt buộc, sau đó được điều chỉnh bổ sung bằng Thông tư 220/2010/TT-BTC, quy định sản phẩm bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc này áp dụng cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có cơ sở nguy hiểm về cháy nổ theo Phụ lục 1 – Nghị định 35/2003/NĐ-CP nhưng tình hình cháy nổ vẫn hết sức phức tạp. Mới đây nhất, Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy đã có hiệu lực từ ngày 5/8/2012 cùng với những biện pháp tuyên truyền tích cực của các cơ quan chức năng nhưng xem ra tình hình vẫn chưa được cải thiện. Số vụ tổn thất tập trung vào các ngành có xác suất cháy nổ cao như chế biến xuất khẩu gỗ, hóa chất, dệt may. Công tác phòng chống cháy nổ vẫn thường bị các doanh nghiệp xem nhẹ. Tại các nhà xưởng thường được xây dựng không đúng theo qui cách, sử dụng các vật liệu dễ gây cháy, không có cửa thoát hiểm. Hệ thống thiết bị báo cháy và chữa cháy không được kiểm tra thường xuyên, có khi không còn hoạt động. Hiện nay, chỉ một số ít doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các hoạt động diễn tập phòng cháy chữa cháy cho cán bộ nhân viên.

 

Khi sự cố xảy ra, thiệt hại về người là không gì có thể bù đắp nhưng tài sản thì hoàn toàn có thể khôi phục hoặc khôi phục lại phần nào những tổn thất nếu các doanh nghiệp và người dân chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro nhằm bảo đảm cho tài sản của mình. Theo các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp mua bảo hiểm chủ yếu để đối phó với các cơ quan chức năng theo kiểu “mua cho có” chứ chưa xem đây là một phần của công tác quản trị doanh nghiệp. Còn đối với các cá nhân, sản phẩm bảo hiểm nhà tư nhân cũng là một các gì đó xa lạ mặc dù sản phẩm này đã có mặt trên thị trường khá lâu. Khu vực nhà ở thuộc sở hữu cá nhân, người dân vẫn mang nặng tâm lý may rủi và cho rằng cháy chẳng qua là do xui rủi trúng ai thì người đó chịu và chưa quan tâm đến các biện pháp bảo vệ chính mình gồm có bảo vệ nguy cơ cháy nổ (giăng mắc điện tùy tiện, để các vật dễ cháy gần khu vực bếp...), bảo vệ các tổn hại tài chính (mua bảo hiểm là một hình thức bảo vệ tài chính). Thêm nữa tâm lý nhà có bốn bức vách làm sao cháy được, mà không nghĩ đến trong ngôi nhà vốn dĩ có rất nhiều chất cháy kể cả những thứ tưởng chừng không cháy như vỏ nhựa bọc cách điện của dây điện, lớp sơn trên tôn mái nhà, vỏ nhựa các thiết bị trong nhà, một khi các thiết bị này bắt lửa sẽ dễ dàng lan sang các vật cháy khác như tủ gỗ, chăn dra nệm gối....Tâm lý này không dễ thay đổi vàbị thuyết phục trừ khi có một vụ cháy nào đó trong khu vực họ cư ngụ. Nhìn chung người dân không quan tâm đến việc mua bảo hiểm trừ khi buộc phải mua ví dụ như phải thế chấp khoản vay qua ngân hàng và được yêu cầu mua bảo hiểm. Đây hoàn toàn là do quan niệm và không liên quan gì đến thủ tục bảo hiểm hay phí bảo hiểm quá cao.

 

Đã đến lúc cần biết bảo vệ mình

 

Hiện đã có khá nhiều công ty bảo hiểm cung cấp sản phẩm bảo hiểm cháy nổ. Tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA, sản phẩm bảo hiểm cháy nổ tập trung vào 2 gói sản phẩm chính: Bảo hiểm hỏa hoạn, nổ cho đối tượng là các cơ quan, tổ chức kinh tế ... có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam theo Nghị định 135/2006 NĐ-CP và Thông tư 220/2010 TT-BTC về bảo hiểm cháy nỗ bắt buộc; Bảo hiểm nhà tư nhân (rủi ro bảo hiểm là hỏa hoạn): áp dụng cho đối tượng là cá nhân có tài sản là nhà ở trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam

 

Theo ông Trần Tam Phúc, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm AAA, trên thực tế, phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo Thông tư 220/2010 TT-BTC về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc chỉ giao động từ khoảng 0,06% - 0,7% trên giá trị tham gia bảo hiểm và tỷ lệ phí phụ thuộc vào đặc điểm của từng đối tượng tham gia bảo hiểm và các rủi ro có liên quan. Còn với sản phẩm bảo hiểm nhà tư nhân, tùy vào giá trị tham gia bảo hiểm/giá trị căn nhà phí bảo hiểm sẽ khác nhau. Ví dụ, với căn hộ có diện tích xây dựng khoảng 100m2, phí bảo hiểm sẽ vào 1 triệu đồng/năm, tương đương 1 tháng khoảng 80 ngàn bằng với chi phí thuê truyền hình cáp. Chi phí bỏ ra hoàn toàn chấp nhận được cho việc an tâm có được một căn nhà khác thay thế nếu chẳng may gặp sự cố. Ngoài ra Bảo hiểm AAA cũng sẽ bồi thường trong trường hợp thiệt hại hỏa hoạn do chập điện, cháy nổ do xì khí gas gia dụng là nguy cơ lớn nhất trong khu vực dân cư.

 

Đối với nhà hoặc căn hộ dùng để ở và có một phần để kinh doanh nhỏ việc tham gia bảo hiểm rất đơn giản. Thủ tục bao gồm cung cấp thông tin theo mẫu của Công ty bảo hiểm, bảng câu hỏi này đồng thời cũng là giấy yêu cầu Công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ. Công ty bảo hiểm căn cứ nội dung giấy yêu cầu sẽ cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho hộ yêu cầu. Giấy chứng nhận bảo hiểm cho rủi ro cháy nổ, sập đổ này chỉ sẽ có hiệu lực khi người yêu cầu đã thanh toán phí bảo hiểm theo thông báo. Bảo hiểm này chỉ có giá trị với chính căn nhà được yêu cầu bảo hiểm và không có giá trị với các căn nhà xung quanh, có nghĩa là công ty bảo hiểm sẽ không bồi thường cho các căn nhà không được ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm.

 

Trở lại với vụ việc đau lòng cách đây ít ngày. Nếunhững nạn nhân đã tử vong hay bị thương nếu có bảo hiểm có được bảo hiểm bồi thường hay không, ông Phúc cho biết: "Nạn nhân sẽ được bảo hiểm nếu công ty bảo hiểm được yêu cầu bảo hiểm con người. Phí bảo hiểm dao động từ 28.000 đồng/ năm với số tiền bảo hiểm tối đa 10 triệu đồng hoặc phí bảo hiểm đến vài triệu đồng hoặc nhiều hơn tùy vào mức trách nhiệm và quyền lợi được yêu cầu. Trong trường hợp có tham gia bảo hiểm sinh mạng/thương tật do tai nạn, Công ty bảo hiểm sẽ chi trả đến hết hạn mức, thậm chí đến số tiềncaonhất mà hai bên đã thỏa thuận và được qui định cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ hợp đồng bảo hiểm qui định bồi thường 100 triệu trong trường hơp tử vong do tai nạn thì công ty bảo hiểm sẽ bồi thương đến 100 triệu nếu người tham gia chết do tai nạn".

 

Cũng theo ông Phúc: “Tại Bảo hiểm AAA, trong những năm qua, đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ khoảng gần 20%/năm; đồng thời Bảo hiểm AAA rất tích cực trong việc kết hợp với cơ quan quản lý tổ chức tuyên truyền bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tại địa bàn TP.HCM. Vào cuối năm 2012 , Bảo hiểm AAA đã kết hợp cùng Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM tổ chức tuyên truyền về Luật PCCC cho hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung và kết quả buổi hội thảo này rất tích cực, có sức lan tỏa lớn và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM.”

 

Để giảm thiểu tình trạng cháy nổ và không còn những vụ việc đau lòng như thời gian qua, thiết nghĩ ngoài việc tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền của các cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp và người dân nên chủ động trong việc tự bảo vệ mình. Chủ động phòng ngừa rủi ro cho mình cũng chính là đã hạn chế rủi ro cho cộng đồng và xã hội.

 

A.Th


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN