Liệu đây có phải là cảnh báo nhất thời khi doanh số bán smartphone toàn cầu đã chững lại, hay đó thực sự là dấu hiệu cho thấy sản phẩm này sắp "hết thời” như những “tiền bối” trước đó?
Smartphone - thăng hoa rồi bão hòa
Không thể phủ nhận rằng điện thoại cá nhân đã bước sang trang mới khi Blackberry kết hợp những tính năng của một máy nhắn tin trong thập niên 1990 vào một chiếc điện thoại của thế kỷ 21, để từ đó phát triển các mẫu di động của họ cũng có thể xử lý các email và lướt web đến một mức độ nào đó.
Nhưng sự ra đời của iPhone vào năm 2007 đã mở ra kỷ nguyên hoàn toàn mới cho truyền thông di động. iPhone đã biến smartphone từ một thiết bị phục vụ chủ yếu cho hoạt động kinh doanh trở thành một sản phẩm đại chúng ai cũng có thể sử dụng. Mẫu điện thoại đình đám của Apple cũng đặt dấu chấm hết cho những chiếc điện thoại màn hình nhỏ, có trackball (bi xoay điều khiển chuột) và bàn phím vật lý.
Khi Android ra mắt thế giới vào năm 2008 với HTC Dream, việc bổ sung các tính năng mới trở nên phổ biến hơn. Truy cập Internet, soạn e-mail, nhắn tin, chụp ảnh và định vị GPS không phải những công nghệ di động mới, nhưng việc tích hợp vào các mẫu smartphone hiện đại giúp chúng trở nên thuận tiện và dễ sử dụng hơn nhiều.
Sau đó, các nhà sản xuất smartphone lần lượt giới thiệu thêm những công nghệ đột phá vào sản phẩm của mình như kiểm soát bằng giọng nói, bên cạnh các "trợ lý ảo” như Siri của Apple, Bixby của Samsung, hay Google Assistant của Google. Những cách thức mới để tương tác với màn hình cũng được phát triển cùng những mẫu smartphone sau này, đi kèm với công nghệ sạc không dây và những cải tiến về bảo mật như quét vân tay và võng mạc.
Nhưng mỗi năm, thị trường đều đón nhận hàng chục mẫu smartphone được trang bị bộ vi xử lý nhanh hơn, bộ nhớ lớn hơn và nhiều ống kính camera mặt sau hơn. Trong khi đó, phần lớn khách hàng tiêu dùng đều đã sở hữu một chiếc smartphone có tốc độ xử lý nhanh, bộ nhớ khá ổn và có chất lượng chụp ảnh tốt. Vì vậy không khó hiểu tại sao người dùng đã dần bớt hứng khởi với việc bỏ nhiều tiền hơn cho một sản phẩm chỉ có một số cải tiến tương đối so với chiếc smartphone họ đang có.
Dự báo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường IDC cho thấy doanh số bán smartphone trên toàn cầu ước sẽ giảm 0,7% trong năm 2018 xuống 1,455 tỷ chiếc, với nhiều thị trường lớn đã ở ngưỡng bão hòa.
Tại Mỹ, 91% người trưởng thành dưới 50 tuổi sử dụng smartphone và 95% thanh thiếu niên có khả năng tiếp cận vào một chiếc smartphone. Trong khi đó, theo số liệu của Hiệp hội các hãng cung cấp dịch vụ điện thoại di động thế giới (GSMA), ở châu Âu có khoảng 465 triệu thuê bao di động (tương đương 85% tổng dân số) tính đến cuối năm 2017, với hơn 2/3 trong số này là smartphone .
Smartphone có “sống sót” trong thời đại công nghệ mới?
Trong báo cáo thường niên của FTI về xu hướng công nghệ thế giới, chuyên gia Amy Webb cho biết năm 2018 có thể đánh dấu sự khởi đầu cho kết thúc của kỷ nguyên smartphone truyền thống.
Báo cáo FTI cho biết sự chuyển đổi từ smartphone sang thiết bị đeo thông minh (smart wearble) và các sản phẩm công nghệ cao như tai nghe có cảm biến sinh trắc học, nhẫn và vòng tay có thể cảm nhận chuyển động từ người đeo, kính thông minh có thể ghi lại và hiển thị thông tin… sẽ thay đổi cách người dùng trải nghiệm sản phẩm công nghệ, qua đó khiến những yêu cầu về smartphone của họ cũng sẽ dần phát triển theo.
Nếu không thực sự có bước đột phá mới, smartphone hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng “tăng trưởng đóng băng” tương tự như máy tính cá nhân (PC) và laptop, không hoàn toàn biến mất trên bản đồ công nghệ nhưng bị “che khuất” bởi những sản phẩm mới mẻ và hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng smartphone vẫn còn đủ thời gian để “tự cứu mình” trước khi viễn cảnh không mấy lạc quan đó diễn ra. Nhà phân tích David McQueen tại công ty nghiên cứu ABI Research cho biết smartphone sẽ không biến mất mà thay vào đó sẽ biến đổi hình dạng và tính năng của mình.
Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thực tế hỗn hợp (Mix Reality) và điều khiển bằng cử chỉ hoàn toàn có thể giúp smartphone có thêm những động lực tăng trưởng mới.
Chuyên gia Bob O'Donnell, người sáng lập ra công ty chuyên về nghiên cứu và phân tích các xu hướng công nghệ Technalysis Research, cho rằng smartphone vẫn được người tiêu dùng ưa thích bất chấp sự xuất hiện của các thiết bị mới như loa thông minh của Amazon và Google
Ông cũng cho biết những cải tiến tiếp theo có thể mang đến các thiết bị cầm tay thậm chí còn thông minh hơn so với thế hệ thiết bị hiện tại khi chúng được tích hợp với AI, qua đó giúp người dùng thực hiện rất nhiều công việc mà không cần kết nối mạng.
Chuyên gia O'Donnell cũng lưu ý cạnh tranh giữa các công ty công nghệ hiện đang tập trung xung quanh việc phát triển các “trợ lý ảo” như Alexa của Amazon, Google Assistant của Google, Siri của Apple, và Bixby của Samsung cũng như một số trợ lý khác.
Ngoài ra, công nghệ 5G cũng hứa hẹn sẽ thu hút thêm nhiều người dùng chuyển sang các mẫu smartphone mới có hỗ trợ nền tảng này.
Nhưng tương lai có quá nhiều biến số để có thể đoán định. Liệu smartphone có thể đứng vững trước những thử thách của thời gian, hay sẽ phải chấp nhận lùi về phía sau và nhường chỗ cho các sản phẩm mới hơn như vòng đeo tay thông minh hoặc loa thông minh? Không ai có thể nói chắc chắn, song với tốc độ phát triển công nghệ nhanh như hiện tại, không quá lời khi nói rằng lịch sử có thể sẽ lặp lại với smartphone như đã từng với PC và laptop.