Nền tảng thứ 3 được tận dụng
Theo ông Nguyên Toàn, Chuyên viên phân tích thị trường cao cấp, thiết bị Client, IDC Việt Nam, việc tận dụng công nghệ thông tin trên nền tảng thứ 3 (Cloud, Mobility, Big Data, Social Business) đã giúp cho thị trường thiết bị mạng bao gồm Router và Switch phục hồi mạnh mẽ. Quý 2/2015 đã có sự tăng trưởng hơn 63,6% so với quý trước và vượt gần 115,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nền tảng thứ 3 ngày càng được tận dụng |
Sự tăng trưởng này đến từ lĩnh vực cung cấp dịch vụ (Service Providers), khi mà các nhà mạng đang tập trung nâng cấp và mở rộng hệ thống mạng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của người tiêu dùng. Đồng thời việc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài từ các nhà mạng này cũng góp phần lớn sự tăng trưởng của thị trường thiết bị mạng.
Trong thời gian tới, mặc dù việc chi tiêu cho lĩnh vực CNTT trong các doanh nghiệp vẫn còn nhiều thử thách như việc tái cấu trúc của lĩnh vực Ngân hàng và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm, nhưng với xu hướng phát triển của nền tảng thứ 3 trong doanh nghiệp, IDC vẫn kỳ vọng sự tăng trưởng của các thiết bị mạng này trong năm 2016 tại thị trường Việt Nam.
Samsung tiếp tục độc chiếm thị trường smartphone, tablet
Bên cạnh sự tăng trưởng của nền tảng thứ 3 thì thị trường smartphone tiếp tục được đánh giá đầy triển vọng trong năm 2015 do lượng hàng smartphone phân phối tại Việt Nam tiếp tục gia tăng so với cùng kỳ quý trước và cùng kỳ năm trước. Có thể thấy, thị phần smartphone đã tăng thêm 6%, lên mức 51% trong quý 2/2015.
Quý này, có 3,3 triệu smartphone nhập về thị trường trong nước, tổng giá trị thị trường đạt 607 triệu USD. Trong đó, giá trung bình một chiếc smartphone là 183 USD chưa thuế. Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên mà số lượng smartphone vượt qua dòng điện thoại phổ thông, đó là do các nhà cung cấp giảm giá cho các smartphone cao cấp với tốc độ nhanh hơn so với lúc trước, cũng như các nhà cung cấp nhập về nhiều điện thoại thông minh giá rẻ. Không chỉ thế, phần lớn các thương hiệu lớn đều đánh vào thị trường smartphone giá rẻ, khiến những thương hiệu nhỏ, ít tên tuổi bị đánh bật khỏi thị trường do khó cạnh tranh.
Samsung tiếp tục dẫn đầu thị trường smartphone và tablet |
Đứng đầu thị trường smartphone vẫn tiếp tục là thương hiệu Samsung. Số liệu của IDC cho thấy, trong quý 2/2015, doanh số Samsung smartphone tại thị trường Việt Nam chiếm 30% thị phần ( giảm 5% so với quý trước đó). Theo sau Samsung là hãng sản xuất Đài Loan Asus, chiếm 14% thị phần, tăng nhanh kỳ diệu từ con số 3% từ quý trước đó. Microsoft đứng hạng 3 về doanh số, đạt 13% thị phần, trong khi quý trước hãng này đạt 24%. Lý giải việc Asus tăng thị phần nhanh chóng, ông Võ Lê Thanh Tâm – chuyên viên phân tích của IDC Việt Nam – cho rằng đợt nhập hàng Zenfone 2 mới của Asus gần đây đã đẩy doanh số của hãng tăng cao.
Xét về giá trị
doanh thu, Samsung vẫn dẫn đầu thị trường với 36% thị phần, bằng với con số ở quý trước. Trong khi đó, mặc dù không nằm trong top 3 hãng bán chạy nhưng Apple lại đứng thứ hai về mặt giá trị
, chiếm tỷ lệ 24%
(giảm tới 11% so với quý trước
). Từ tăng trưởng mạnh về doanh số, Asus cũng đột phá về giá trị khi tăng thị phần từ 2% quý trước lên 11% quý này, đứng thứ 3 toàn thị trường. Lý giải việc Apple sụt giảm thị phần về giá trị, ông Thanh Tâm cho rằng tổng hàng nhập của Apple giảm nên thị phần giảm, đồng thời nhu cầu của người dùng trong nước đối với Apple không giảm, nhưng do thị trường chính hãng bị áp lực từ hàng xách tay nên số lượng giảm.
Ở thị trường tablet, IDC cho biết, quý 2/2015 có 291.000 máy tính bảng đã nhập vào thị trường Việt Nam, tổng giá trị 53 triệu USD. So với 607 triệu USD của thị trường smartphone, có thể thấy quy mô thị trường tablet là rất nhỏ. Dù vậy, nhà sản xuất Hàn Quốc Samsung tiếp tục là thương hiệu số 1 về doanh số, chiếm 24% thị phần, tăng 2% so với quý trước đó. Trong nhóm này, Apple đứng vị trí thứ 3, đạt 14%, giảm 3% so với quý trước. Bất ngờ nhất là Masstel, thương hiệu máy tính bảng của công ty Masscom – một công ty Việt Nam, đứng thứ 2 về doanh số, với thị phần 19%.
Ông Võ Lê Thanh Tâm cho biết Masstel đã ra mắt thị trường cách đây nhiều tháng nhưng chỉ chờ khi thương hiệu này phát triển ổn định thì IDC mới đưa vào danh sách thống kê, và quý này hãng đứng vị trí thứ 2. Đồng thời, IDC thống kê dựa trên lượng hàng mà các hãng đưa về các nhà bán lẻ, chứ không phải dựa vào lượng hàng nhà bán lẻ bán ra cho khách hàng.
Thị trường PC vẫn sụt giảm
Đối nghịch với thị trường smartphone và tablet, thị trường PC vẫn tiếp tục sụt giảm. Bà Phan Yến, Chuyên viên phân tích thị trường IDC Việt Nam cho biết trong quý 2/2015, tổng số lượng máy tính phân phối tại Việt Nam đạt 424.000 chiếc, giảm 10% so với quý trước và 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức độ sụt giảm của số lượng máy tính lớn nhất tính từ 2 quý cuối năm 2014 đến nay.
Thị trường PC sụt giảm do vấp sự cạnh tranh của smartphone và tablet |
Lí giải cho vấn đề này, bà Phan Yến cho biết tình trạng cung vượt quá cầu trong thời gian qua dẫn đến hàng tồn kho rất cao trên thị trường
, điều này khiến một số hãng máy tính phải giảm lượng hàng của họ trong quý 2 để giải quyết hàng tồn trước khi lên kế hoạch kinh doanh cho quý 3/2015. Bên cạnh đó, các thiết bị di động tiếp tục cạnh tranh và gây sức ép lên nhu cầu PC.
Dù vậy, IDC kỳ vọng thị trường máy tính cá nhân quý 3/2015 sẽ sáng sủa hơn
và sẽ tăng trở lại nhờ "mùa tựu trường"
, cộng thêm chi tiêu CNTT từ doanh nghiệp và khu vực công
sẽ tăng
vào 2 quý cuối năm.
Tuy nhiên, trước sự tăng giá của một số dòng máy tính khi sự mất giá của VN đồng so với đồng đô la Mỹ trong thời gian gần đây sẽ ảnh hưởng đến không tốt đến doanh số bán lẻ của máy tính. Và phát hành của hệ điều hành của Microsoft Windows 10 cũng không được kỳ vọng sẽ giúp các nhà sản xuất máy tính tăng doanh số ở Việt Nam. Vì vậy, nhìn chung máy tính Việt Nam vẫn sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm nay và kỳ vọng sẽ ổn định hơn vào năm 2016.