TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) nhận định: Trong 2 năm gần đây (2010 - 2011), thị trường viễn thông Việt Nam đã bộc lộ dấu hiệu phát triển không bền vững. Các doanh nghiệp viễn thông mới ra đời hoạt động rất khó khăn. Vì vậy, việc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tiếp quản Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) do không còn đủ “sức khỏe” kể từ ngày 1/1/2012 đã được giới viễn thông hết sức quan tâm. Bởi “Nếu EVN Telecom không sáp nhập thì sẽ phá sản”, ông Trực nói.
Viettel - một tập đoàn mạnh trong lĩnh vực viễn thông. Ảnh: Lê Phú |
Điểm lại chặng đường đã qua của ngành viễn thông Việt Nam, TS. Mai Liêm Trực cho rằng: “Hành trình” đã trải qua 3 giai đoạn: Nỗ lực số hóa các dịch vụ viễn thông trong nững năm 80; Bộc lộ thách thức do “độc quyền” trong những năm 90; Phá thế “độc quyền”, chuyển sang thị trường có tính cạnh tranh trong những năm 2000 (trong đó phải kể đến sự gia nhập làng viễn thông của Viettel). Tuy nhiên 2 năm gần đây, thị trường viễn thông đã bộc lộ nguy cơ của sự phát triển không bền vững, có thể gây thiệt thòi cho người tiêu dùng và Nhà nước. Sự đầu tư của các doanh nghiệp viễn thông cũng có hạn chế do khủng hoảng kinh tế, ảnh hưởng tới chất lượng mạng và dịch vụ.
Đồng tình quan điểm này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng: Thị trường viễn thông Việt Nam chưa cạnh tranh đúng nghĩa vì lực lượng chủ đạo vẫn là doanh nghiệp nhà nước. Do vậy năm 2012 sẽ có xu hướng sáp nhập hoặc giải thể trong ngành viễn thông.
“Hiệu quả quản lý và đầu tư viễn thông hiện còn có những hạn chế khi hầu hết các doanh nghiệp lớn đều là doanh nghiệp nhà nước, hơn 90% tài sản của mạng viễn thông Việt Nam đều của Nhà nước. Có thể liên tưởng “bức tranh” thị trường hiện nay giống như một gia đình cho các con ăn riêng nhưng để các con cạnh tranh với nhau. Khi đó chưa thể có sự cạnh tranh thực sự”, TS. Mai Liêm Trực trăn trở.
Để tăng cường quản lý và tăng cường hiệu quả đầu tư viễn thông, ông Trực đề xuất: Nhà nước phải vững tay sắp xếp lại các doanh nghiệp viễn thông, thậm chí thu hồi một số giấy phép, chỉ duy trì khoảng 4 doanh nghiệp lớn chứ không thể để nhiều doanh nghiệp tồn tại như hiện nay (sau khi sáp nhập EVN Telecom vào Viettel thì hiện nay thị trường có 6 doanh nghiệp viễn thông).
Ông Bùi Quốc Việt – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nói: “Việc tái cấu trúc doanh nghiệp xảy ra cuối năm 2011 là theo quy luật buộc phải xảy ra bởi vì nếu tiếp tục duy trì thì doanh nghiệp sẽ phá sản. EVN Telecom hợp nhất với Viettel là điều tất yếu, nếu không sẽ tự tiêu diệt lẫn nhau. Một vấn đề được đặt ra, ai sẽ là người thực hiện việc cấu trúc doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp năng động thì sẽ tự làm, còn doanh nghiệp yếu hơn sẽ phải chờ Nhà nước”.
Theo Nghị định 25 của Chính phủ, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ TT-TT quy định. Chính vì vậy, liên quan tới việc VNPT phải giải bài toán hợp nhất hoặc cổ phần hóa 2 mạng VinaPhone và MobiFone trong thời gian tới để thực thi Nghị định 25 của Chính phủ, ông Việt cho rằng: Vấn đề thoái vốn, sáp nhập hay cổ phần hóa VinaPhone và MobiFone, VNPT sẽ tìm ra phương án bảo toàn doanh nghiệp hoặc tự định đoạt để tiếp tục phát triển.
Đề cập tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng cho biết: Nghị định 25 thể hiện mong muốn của Nhà nước về việc tạo thị trường lành mạnh, không để xảy ra hiện tượng doanh nghiệp độc quyền. Có thể lúc này VNPT cảm thấy khiên cưỡng với Nghị định 25 nhưng nhìn chung thì Nghị định 25 phù hợp với thị trường. Cần có thời gian để xem xét kỹ hơn việc tái cấu trúc VNPT sao cho phù hợp. Thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục tham mưu với Chính phủ để hướng tới xây dựng một thị trường viễn thông cạnh tranh hơn. Cương quyết cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để có thị trường viễn thông cạnh tranh thực sự.
Minh Phương