Phiên xét xử bắt đầu từ ngày 12/8 vừa qua, trong đó Chính phủ Mỹ và hàng chục bang cáo buộc Google vi phạm luật chống độc quyền ở mảng công cụ tìm kiếm trực tuyến. Ngày 12/9, Chính phủ Mỹ đưa ra bằng chứng Google chi trả 10 tỷ USD mỗi năm cho Apple và các tập đoàn khác để bảo vệ vị thế độc quyền của công ty công nghệ này đối với mảng công cụ tìm kiếm trực tuyến.
Về phần mình, Google phản đối vụ kiện, khẳng định sự thành công của công cụ tìm kiếm của tập đoàn này nhờ nâng cao chất lượng và đầu tư quy mô lớn trong nhiều năm qua. Tham gia ngày cuối cùng của giai đoạn cung cấp chứng cứ và tài liệu tại tòa với tư cách nhân chứng cuối cùng, Giáo sư kinh tế Michael Whinston thuộc Viện công nghệ Massachusetts đã đưa ra lập luận theo hướng ủng hộ Chính phủ Mỹ.
Cụ thể, ông Whinston bác bỏ lập luận của Google cho rằng tập đoàn này phải cạnh tranh với Microsoft bằng cách thoả thuận với các nhà mạng viễn thông và các hãng sản xuất điện thoại thông minh để đưa Google Search trở thành công cụ tìm kiếm mặc định hoặc duy nhất trên các sản phẩm được hàng triệu người tiêu dùng sử dụng.
Giáo sư Whinston viện dẫn khoản tiền 26,3 tỷ USD mà Google thanh toán cho Apple và các tập đoàn khác năm 2021 thực chất là khoản lợi nhuận độc quyền chi trả cho những tập đoàn nêu trên. Ông Whinston khẳng định Google thu được khoản lợi nhuận lớn từ những hợp đồng ký với Apple và các công ty khác.
Tập đoàn Alphabet Inc - công ty mẹ của Google - đã báo cáo lợi nhuận ròng ở mức 19,69 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2023. Con số này cao hơn so với mức lợi nhuận 13,91 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2022.
Về phần mình, luật sư John Schmidtlein đại diện cho Google lặp lại một trong những luận cứ bào chữa Google sử dụng xuyên suốt phiên xét xử. Đó là những khoản thanh toán cho Apple và các công ty khác theo thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận đều hợp pháp. Bên cạnh đó, luật sư Schmidtlein cho rằng những khoản tiền đó cũng nhằm đảm bảo các nhà mạng viễn thông không dây và công ty sản xuất điện thoại di động có thể cập nhật công nghệ thích hợp và đảm bảo an toàn dữ liệu người dùng.
Giới chuyên gia pháp luật miêu tả đây là vụ kiện độc quyền lớn nhất kể từ vụ Chính phủ Mỹ nhằm vào hãng phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft hồi những năm 1990.
Đầu tháng 5 vừa qua, sau khi khép lại tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm, Thẩm phán Amit P. Mehta của Tòa án khu vực Columbia thừa nhận đây là vụ kiện mà khó có thể đưa ra phán quyết.