Đây là lần đầu tiên Ngày hội Game Việt Nam được tổ chức, thu hút hơn 15.000 lượt người tham dự. Sự kiện không chỉ tạo sân chơi cho những người yêu game có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm mà còn tạo môi trường cho các nhà sản xuất và phát hành giới thiệu game ra thị trường, mở ra cơ hội kết nối giữa các doanh nghiệp game trong và ngoài nước với nhà đầu tư.
Nhiều rào cản phát triển ngành game Việt
Đánh giá về ngành game tại Việt Nam, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành Game trực tuyến VNG cho biết, trên toàn cầu, ngành game rất phát triển, tính từ năm 2020 doanh thu ngành game đạt hơn 179,1 tỉ đô; đến năm 2022 đạt hơn 184,4 tỉ đô và dự kiến thị trường game thế giới sẽ đạt 211,2 tỉ đô vào năm 2024 với mức tăng trưởng hàng năm đạt 3,4%. Riêng tại Việt Nam, ngành game Việt Nam đứng vị trí thứ 5 doanh thu trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, thể thao điện tử - eSports đóng góp sự thay đổi cho ngành game Việt cũng như định kiến của mọi người về game trong 2 năm qua. Điều này cho thấy, ngành game Việt Nam có nhiều có hội để phát triển.
Có thể thấy, doanh thu eSports toàn cầu đạt lần lượt 957,5 triệu USD năm 2019 và 1059,3 triệu USD năm 2020, mức tăng trưởng hàng năm 10,6%. Đáng chú ý, lượng người theo dõi eSports cũng chiếm tỷ lệ khá cao, với 489,5 triệu người theo dõi trong năm 2021, trong đó gần 50% là theo dõi thường xuyên, liên tục. Chưa kể, eSport được đưa vào những chương trình thi đấu game thế giới, được xem là nền kinh tế không khói của thế giới.
Vì thế, ông Lã Xuân Thắng kỳ vọng ngành game tại Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội và dư địa để phát triển trong tương lai. Điều này không thể thiếu được sự chung tay ủng hộ cộng đồng xã hội, của các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ Việt Nam để tạo ra cú hích cho sự phát triển ngành game.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, hiện xã hội Việt Nam vẫn còn định kiến về ngành game, vẫn coi game chỉ là môn giải trí, chưa phải là ngành kinh doanh. Do đó, có nhiều chính sách quản lý game Việt Nam bị siết chặt, dẫn đến không ít ngành game Việt Nam chảy “máu chất xám”, không chỉ nhân sự mà cả doanh thu khi game Việt Nam được phát hành chủ yếu ở nước ngoài, gây thất thu thuế.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, nếu nhìn góc độ nghiêm túc thì ngành game sẽ trở thành nền kinh tế số mũi nhọn trong tương lai. Có thể thấy, năm 2022, trên thế giới có gần 3,2 tỉ người chơi game với doanh thu 196,8 tỉ USD. Tại Việt Nam có 28,4 triệu người chơi game, doanh thu 665 triệu USD. Bên cạnh đó, nhân lực cho ngành game năm 2021 tại Việt Nam cần 450.000 nhân lực CNTT. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam hiện mới có khoảng 430.000 người, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên không được lấp đầy trong tương lai gần. Sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch trình độ của lập trình viên và yêu cầu của doanh nghiệp.
Trong khi đó, thể thao điện tử tạo ra dư địa khổng lồ để phát triển kinh tế. Năm 2022, lượng khán giả toàn cầu theo dõi eSports là 532 triệu người. Doanh thu eSport thế giới năm 2022 là 1,3 tỉ USD, tăng 21,8%. Theo Newzoo, với tốc độ tăng trưởng mỗi năm là 8,1% giai đoạn 2020 - 2025, sẽ có hơn 640 triệu người theo dõi bộ môn này vào năm 2025.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, điều này sẽ kéo nhiều ngành phát triển theo eSports như doanh thu từ chơi game trả phí, ví thanh toán điện tử phát triển, doanh thu chia sẻ từ các dịch vụ trung gian, doanh thu từ bán vé sự kiện, thiết bị công nghệ, nhà tài trợ, quảng cáo…
Thực tế cho thấy, tỉ trọng nguồn doanh thu eSports toàn cầu năm 2022 là 1,384 triệu đô, trong khi đó Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp và có các nguồn thu ổn định, rõ ràng như eSport thế giới. Nguyên nhân, eSport trong con mắt nhà quản lý và người dân Việt Nam đơn thuần vẫn chỉ đơn giản là game.
Chia sẻ lý do ngành game Việt vẫn chưa được coi trọng và phát triển, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) cho biết, nguyên nhân những nhà làm game và phát hành game trong nước vẫn chưa có sự “bắt tay” với nhau, mạnh ai nấy làm để có thể “đi nhanh”, nhưng thực tế lại kéo ngành game Việt “đi chậm” lại.
Có thể thấy, thời gian qua, Bộ TTTT đã cấp phép cho hơn 300 doanh nghiệp sản xuất và phát hành game, thế nhưng đến nay chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp là có thể tồn tại và phát triển. “Trong khi đó, việc phát triển ngành game phụ thuộc là đi cùng nhau. Dẫn đến thực trạng, người phát hành game lại hay phát hành game ra nước ngoài, còn người viết game thì không tìm được người phát hành game trong nước”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.
Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, một hạn chế nữa là dự thảo đánh thuế đặc biệt cho ngành game gây khó khăn cho ngành game. Song song đó, chính sách quản lý của Việt Nam chưa theo kịp ngành công nghệ game như game Blockchain, game 3.0… nên cũng không thể quản lý để cấp phát hành game, dẫn đến chảy máu chất xám tại Việt Nam.
Gỡ khó cho ngành game
Nhìn về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt game online, theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, thực tế, game Việt chủ yếu phát hành tại nước ngoài nên doanh thu không thể nộp thuế cho Việt Nam. Bên cạnh đó, nhìn lợi nhuận doanh thu game cao, nhưng nhìn ra thế giới thì đây chỉ là doanh thu nhỏ. “Những hạn chế trên nếu không xem xét kỹ, có thể bóp chết ngành game Việt, dẫn đến chảy máu chất xám trong khi doanh nghiệp game Việt Nam đang ngày càng teo tóp”, ông Ngọc Bảo lo ngại.
Trong khi đó, ông Lã Xuân Thắng có cái nhìn thoải mái hơn về thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi đây chỉ là đề xuất đưa vào dự thảo, chưa phải là áp thuế ngay, nhưng cũng là cơ hội cho ngành game làm rõ hơn về vấn đề này với các cơ quan quản lý, Chính phủ Việt Nam để có sự điều chỉnh phù hợp. “Mục đích việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là điều chỉnh về hành vi của người dùng, điều này cũng thể hiện ngành game của Việt Nam chỉ là game, không phải là nền kinh tế số. Vì thế, cần có giải pháp để giúp các cơ quan quản lý hiểu rõ căn cơ, có giải pháp khắc phục vấn đề mà Bộ tài chính và các cơ quan quản lý quan tâm”, ông Thắng chia sẻ.
Theo ý kiến của đơn vị sản xuất game, ông Thái Thanh Liêm, CEO TOPBOX, đặc trưng của việc phát hành game vận hành bằng nguồn quảng cáo nên doanh thu cũng thấp. Đó là lí do dẫn đến các nhà phát hành sản xuất game và phát hành game thường đặt văn phòng tại nước ngoài chứ không phải ở Việt Nam. Vì thế, các cơ quan quản lý cần điều chỉnh việc đánh thuế hợp lý để ngành game tại Việt Nam phát triển hơn.
Nhận định về việc tháo gỡ điểm nghẽn cho ngành game Việt, ông Lê Quang Tự Do cho biết, hiện Bộ TTTT đang xây dựng chiến lược phát triển ngành game, cụ thể mong muốn các nhà sản xuất và phát hành game đoàn kết để thành lập Liên minh Game. Từ trước đến nay, doanh nghiệp game lớn như VNG hay VTC chưa bao giờ tổ chức chung với nhau, thường mạnh ai đó làm sự kiện. Nhưng hôm nay là lần đầu tiên, 2 đơn vị này “bắt tay” với nhau để cùng phát triển ngành game trong nước.
“Theo đó, việc thay đổi định kiến của xã hội về ngành game cũng là một điều rất quan trọng, từ đó đóng góp cho sự phát triển xã hội và kinh tế nhà nước. Tuy có mặt trái nhưng phải làm sao hạn chế thấp nhất. Cần có chính sách ưu tiên, bỏ thuế không hợp lý, bỏ các giấy phép, thủ tục hành chính để ngành game có cơ hội phát triển”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.
Đối với các game ngoại, game "lậu" xâm nhập vào Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ TTTT đang làm việc với các đơn vị quản lý Apple store, Google Store ngăn chặn game lậu xuyên biên giới. Đến nay, Bộ TTTT đã đàm phán với 2 store trên để gỡ 250 game lậu. Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục ngăn chặn game lậu, kể cả kênh trung gian thanh toán. Để đồng thuận, đến cuối mỗi tháng, Bộ TTTT sẽ gửi các ngân hàng, kênh thanh toán trung gian những danh sách game lậu để không cho phép thanh toán.
Ông Lã Xuân Thắng cho rằng, việc tạo ra sân chơi công bằng cho ngành game Việt sẽ giúp Việt Nam có đủ nguồn nhân lực, tiềm năng để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Cái khó của doanh nghiệp Việt là sự bất bình đẳng, là các sản phẩm game không được kiểm soát nội dung, đóng thuế. Vì thế, VNG rất đánh giá cao Bộ TTTT đã có sự bảo vệ cho ngành game Việt Nam, tiếp thêm sự tự tin cho doanh nghiệp game Việt.
Dưới góc nhìn của ông Thái Thanh Liêm, vì sao cộng đồng game thủ thích chơi game ngoại hơn game Việt là do game Việt chưa đáp ứng được thị hiếu của người Việt. Vì thế, muốn có thị trường game lớn như các nước khác, cần có sự phát triển sản phẩm game đúng thị hiếu, có sân chơi cởi mở hơn.
Tuy nhiên, theo ông Ngọc Bảo, đối với ngành game, nguồn nhân lực CNTT rất quan trọng. Vì thế, chỉ khi game được xem là một ngành thì sẽ có nghề, có như vậy các trường đại học mới vào cuộc. Bởi khi nghề này được tạo ra thì sẽ các nhiều ngành học được tạo ra, từ nhân lực CNTT đến những sáng tạo nội dung game. Khi giải quyết bài toán về nhân lực thì sẽ giải quyết được nhu cầu Game.
Nhìn về triển vọng tương lai của ngành game Việt, Bộ TTTT đã đặt ra kế hoạch 2022 - 2027, doanh thu ngành game sẽ tăng lên 1 tỉ USD, hiện này là 600 triệu USD; không chỉ 30 doanh nghiệp game đang hoạt động như hiện nay mà phải tăng trở lại lên 100 – 150 doanh nghiệp game; kéo được khoảng 400 doanh nghiệp start-up về ngành game. Đặc biệt, học viện và các trường đại học sẽ bổ sung đào tạo các chuyên ngành game, coi ngành game là ngành chủ lực phát triển kinh tế.
Song song với diễn đàn, trong 2 ngày 1 và 2/4, Ngày hội Game Việt Nam còn có những hoạt động hấp dẫn, như: giải thưởng Game Việt Nam 2023 với 14 hạng mục bình chọn; thi đấu game Esports Liên minh huyền thoại và Liên quân Mobile; game Workshop; Cosplay Contest; triển lãm game Việt Nam; chuỗi toạ đàm Game Talks