EU với tham vọng khẳng định 'chủ quyền kỹ thuật số'

Tham vọng của Liên minh châu Âu (EU) khẳng định "chủ quyền kỹ thuật số" đã được cụ thể hóa bằng những mục tiêu và đề xuất vừa được Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margrethe Vestager công bố, theo đó từ nay đến năm 2030, EU sẽ xây dựng khả năng công nghệ cho phép người dân và doanh nghiệp nắm bắt cơ hội của công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số.

Chú thích ảnh
EU cho phép hạ mức thuế mua hàng đối với e-book và các ấn phẩm kỹ thuật số khác. Ảnh tư liệu: AFP

Một số nhà lãnh đạo châu Âu từ lâu đã bày tỏ quan ngại về sự phụ thuộc của EU vào các công ty công nghệ Mỹ và Trung Quốc để lưu trữ dữ liệu. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo nhiều công ty châu Âu đã gia công dữ liệu cho các công ty của Mỹ. Do vậy, châu Âu nên yêu cầu chủ quyền kỹ thuật số bằng cách phát triển nền tảng dữ liệu của riêng mình, qua đó giảm sự phụ thuộc vào các công ty như Google và Microsoft.

Chủ quyền kỹ thuật số bao gồm ý tưởng rằng người dùng, là công dân hoặc công ty, có quyền kiểm soát dữ liệu của họ. Theo số liệu thống kê, khoảng 94% dữ liệu trong thế giới phương Tây được lưu trữ ở Mỹ. Hiện 6 trong số 10 công ty công nghệ lớn nhất thế giới là của Mỹ và không có công ty châu Âu nào trong danh sách đó. Giới chuyên gia cho rằng thay vì tìm cách xây dựng những "gã khổng lồ" công nghệ mới, EU nên phát triển hơn nữa quy định và đầu tư để giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ ngoài châu Âu.

Xuất phát từ thực tế đó, đề xuất của Phó Chủ tịch EC có hai thành phần chính: một danh sách các quy định về kỹ thuật số của châu Âu nhằm bảo vệ và trao quyền tự chủ cho người dân; và một "la bàn kỹ thuật số" với những mục tiêu chung nhằm giúp tiến trình số hóa thành công cùng một hệ thống giám sát để theo dõi các tiến triển.

Cụ thể hơn, EC sẽ cố gắng giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc các nước thứ ba sở hữu dữ liệu của EU bằng cách đặt ra một loạt mục tiêu cho năm 2030, qua đó giúp khối mua sắm các công nghệ xử lý dữ liệu thế hệ tiếp theo.

Một lĩnh vực mà EC đã xác định có rủi ro liên quan đến mức độ tự chủ của châu Âu trong môi trường số là nền kinh tế dữ liệu của khối. Các tài liệu cho thấy 90% dữ liệu của EU hiện do các công ty Mỹ quản lý. Dữ liệu ra đời ở châu Âu thường được lưu trữ và xử lý bên ngoài "lục địa già" và các giá trị của nó cũng được trích xuất ở bên ngoài châu Âu. Nếu các công ty chế tạo và khai thác dữ liệu muốn giữ cho mình quyền tự do lựa chọn, điều này có thể gây ra rủi ro về an ninh mạng, tính dễ bị tổn thương của ưu đãi, khả năng chuyển đổi nhà cung cấp cũng như truy cập bất hợp pháp vào dữ liệu từ các nước thứ ba.

Trên tinh thần đó, mặc dù EC công nhận rằng hiện tại các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ điện toán đám mây có trụ sở tại EU chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường này,  nhưng trong tương lai, với xu thế sử dụng dữ liệu ngày càng tăng, chúng cần phải được xử lý nhiều hơn ở ngoại biên, gần với người dùng cũng như nơi chúng được tạo ra.

Việc chuyển đổi từ các mô hình cơ sở hạ tầng dựa trên đám mây tập trung sang các công nghệ xử lý dữ liệu mới tiên tiến phải được tăng cường đầu tư và phát triển. Vì vậy, EC muốn vào năm 2030 sẽ triển khai 10.000 "nút biên" được đảm bảo an toàn cao và trung lập với kế hoạch khí hậu sẽ được triển khai trên toàn EU, nhằm đảm bảo quyền truy cập vào các dịch vụ dữ liệu với độ trễ thấp (chỉ vài mili giây) và không phụ thuộc vào vị trí của các công ty.

Sự khác biệt cơ bản giữa điện toán đám mây tập trung và điện toán nâng cao là điện toán nâng cao bao gồm các công nghệ xử lý dữ liệu gần nguồn hơn, thay vì dựa vào các trung tâm dữ liệu từ xa thường đặt tại các khu vực pháp lý nước ngoài để xử lý và lưu trữ dữ liệu.

Trong khuôn khổ mục tiêu mới, EC nhấn mạnh điều cần thiết là phải đạt được kết nối tốc độ cao (Gigabit) vào năm 2030 với việc tập trung vào triển khai các công nghệ di động và cố định, bao gồm 5G và 6G. Mục tiêu cụ thể là tất cả các hộ gia đình ở châu Âu được phủ sóng mạng Gigabit và tất cả các khu vực đông dân cư sẽ được phủ sóng 5G vào năm 2030.

Ủy ban châu Âu cũng mong muốn tăng cường sự tham gia quốc tế vào các mục tiêu kết nối của mình, trong đó chú trọng các sáng kiến với Ấn Độ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á  (ASEAN), Mỹ Latinh và Caribe.

Phó Chủ tịch EC Vestager khẳng định trong nền kinh tế kỹ thuật số mở, quan hệ đối tác giúp EU đẩy nhanh sự phát triển của những công nghệ mới đến từ châu Âu và chúng có thể trở thành giải pháp toàn cầu. Quan hệ đối tác cũng tạo ra không gian mở, nơi EU có thể thúc đẩy các tiêu chuẩn kỹ thuật số của châu Âu cũng như những lợi ích của khối.

Về mục tiêu kết nối, đề xuất chỉ ra rằng "bộ vi xử lý" là một công nghệ quan trọng đầu tiên trong chuỗi giá trị chiến lược cho một loạt thiết bị thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, khi EU thiết kế và sản xuất chip cao cấp, vẫn có những thiếu sót đáng kể, đặc biệt là trong công nghệ sản xuất tiên tiến và thiết kế chip. Trong lĩnh vực này, EC muốn rằng vào năm 2030, việc sản xuất các thiết bị bán dẫn tiên tiến và bền vững ở châu Âu, bao gồm các bộ xử lý, sẽ chiếm "ít nhất 20% giá trị sản lượng trên toàn thế giới".

Liên quan đến mục tiêu kết nối, đặc biệt là đối với các công nghệ di động thế hệ tiếp theo,  giới chuyên gia đánh giá EU đã bị tụt lại rất xa. Trong kế hoạch hành động 5G của EU cho năm 2016, các quốc gia cam kết đạt được một số mục tiêu, bao gồm triển khai dịch vụ 5G ở tất cả các quốc gia thành viên, tại ít nhất một thành phố lớn, vào cuối năm 2020. Hơn nữa, thời hạn quy định trong Bộ luật truyền thông điện tử năm 2018 buộc các quốc gia thành viên phải đảm bảo tính khả dụng của mạng 5G trước cuối năm 2020.

Tuy nhiên, hai mục tiêu trên đã không đạt được như kỳ vọng, nguyên nhân được cho do đại dịch COVID-19, mối lo ngại về an ninh của các hệ thống viễn thông thế hệ mới và một chiến dịch tuyên truyền gây lo ngại về các nguy cơ 5G ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Trong lĩnh vực năng lực và việc làm, EC đặt mục tiêu 20 triệu chuyên gia công nghệ thông tin được tuyển dụng tại EU, với sự cân bằng giữa nữ giới và nam giới (hiện cứ 6 chuyên gia kỹ thuật số ở châu Âu thì 1 là phụ nữ), bên cạnh việc đạt được các mục tiêu trong kế hoạch hành động của trụ cột châu Âu về quyền xã hội, nhằm đảm bảo rằng ít nhất 80% dân số trưởng thành trong toàn khối có các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản vào cuối thập niên này.

Mục tiêu trên dự kiến sẽ đi kèm với quá trình gia tăng số hóa các doanh nghiệp ở EU, với 75% doanh nghiệp EU sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo vào năm 2030, cũng như tăng gấp đôi số lượng các công ty khởi nghiệp sáng tạo trong EU. Theo Phó Chủ tịch EC Margrethe Vestager, hiện gần 3/4 số doanh nghiệp ở châu Âu - chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - không tìm được các nhân viên có kỹ năng kỹ thuật số cần thiết, vì vậy không thể đầu tư và phát triển.

Trong khu vực công, theo dự án, đến năm 2030, tất cả công dân EU phải được quyền truy cập vào hồ sơ y tế điện tử và EU phải đạt tỷ lệ 100%  dịch vụ công trực tuyến sẵn có dành cho các công dân và doanh nghiệp châu Âu, bên cạnh đó 80% công dân phải sử dụng một trong các giải pháp nhận dạng điện tử của châu Âu.

Sau khi công bố văn bản cuối cùng, EC dự kiến sẽ bắt đầu quá trình tham vấn rộng rãi về các mục tiêu, ngoài việc thiết lập diễn đàn giữa các bên liên quan về những kế hoạch tương lai. Mục tiêu biến thập niên kỹ thuật số thành một thập niên thành công cũng đồng nghĩa với việc làm cho EU đạt khả năng tự chủ kỹ thuật số, trở thành đối tác thịnh vượng, tự tin và cởi mở và đảm bảo để mọi công dân đều được hưởng lợi đầy đủ từ những phúc lợi do một xã hội kỹ thuật số toàn diện mang lại.

Kim Chung (Phóng viên TTXVN tại Liên minh châu Âu)
EU sẽ nhận được 100 triệu liều vaccine mỗi tháng trong quý II
EU sẽ nhận được 100 triệu liều vaccine mỗi tháng trong quý II

Ngày 8/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, kể từ tháng 4 tới, Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhận được 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mỗi tháng, qua đó có thể đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN