Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận về cơ chế, chính sách, quy định phù hợp để tạo điều kiện thúc đẩy việc nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng cũng như cấp phép đăng ký, sử dụng vắc xin trong thời gian sớm nhất, giúp phòng chống đại dịch COVID-19 nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả, an toàn đối với người tình nguyện tham gia nghiên cứu cũng như người sử dụng vắc xin sau này.
Không có vắc xin, khó đưa cuộc sống trở lại bình thường
Phát biểu tại hội thảo, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19 là vấn đề ưu tiên của tất cả các quốc gia. Bởi, nếu không có vắc xin phòng bệnh, khó có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường như trước đây. Đến nay, số ca mắc bệnh trên thế giới đã vượt mốc 15 triệu người với trên 600.000 người tử vong. Đại dịch chưa có dấu hiệu dừng lại trên thế giới.
Tại Việt Nam, hiện ghi nhận 401 ca mắc COVID-19, chủ yếu là ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài; đã qua gần 100 ngày không phát hiện trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Nước ta đang kiểm soát tốt dịch COVID-19, song cách ly xã hội hay giãn cách xã hội chỉ là biện pháp tạm thời để hạn chế số ca lây nhiễm mới và ngăn chặn sự phát triển, bùng phát của đại dịch. Giải pháp hiệu quả nhất để thực sự đẩy lùi dịch bệnh này là vắc xin phòng bệnh. Do vậy, việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vắc xin phòng COVID-19 trong nước cũng đặc biệt được coi trọng.
Ông Nguyễn Thanh Long cũng chia sẻ: Việt Nam là 1 trong 38 quốc gia trên thế giới đã có Hệ thống quản lý chất lượng vắc xin (NRA) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Do đó, nếu nghiên cứu sản xuất thành công vắc xin COVID-19 trong nước có thể xuất khẩu, góp phần phòng đại dịch cho các nước. Tuy nhiên, việc sản xuất vắc xin sẽ khó thành hiện thực nếu không có sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan quản lý, các nhà sản xuất vắc xin, các nhà nghiên cứu, các hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, các nhà tài trợ, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật.
Quyền Bộ trưởng Y tế đề nghị các nhà sản xuất, các đơn vị nghiên cứu tiếp tục chủ động, tích cực nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19; các đơn vị thuộc Bộ Y tế sớm hoàn thiện quy định về nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam trình lãnh độ Bộ ban hành. Các đơn vị trong Hệ thống quản lý chất lượng vắc xin đẩy nhanh quá trình kiểm định, thẩm định hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành vắc xin phòng COVID-19 nhằm tạo điều kiện thúc đẩy công tác nghiên cứu sản xuất tại Việt Nam trong thời gian ngắn nhất nhưng phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, hiệu quả cho người sử dụng,
Nỗ lực toàn cầu trong phát triển văc xin
Tại hội thảo, đại diện Tổ chức PATH đã giới thiệu tổng quan về tình hình nghiên cứu phát triển vắc xin COVID-19 trên thế giới. Tính đến ngày 15/7, có 163 ứng viên vắc xin COVID-19 đang được nghiên cứu phát triển trên toàn cầu; trong đó, 23 vắc xin đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người, còn lại 140 ứng viên đang ở giai đoạn tiền lâm sàng. Những nỗ lực toàn cầu trong phát triển vắc xin COVID-19 để khống chế đại dịch như hiện nay là chưa từng có tiền lệ về mặt quy mô, công nghệ và tốc độ phát triển. Hầu hết các nhà quản lý quốc gia đều có chính sách tạo điều kiện thúc đẩy nghiên cứu phát triển vắc xin. Các sáng kiến về tiếp cận công bằng văc xin do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi tạo cũng được đưa ra rất sớm trong khi các nhà nghiên cứu và sản xuất đang gấp rút phát triển vắc xin.
Đại diện 4 nhà sản xuất trong nước gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược NANOGEN cũng đã báo cáo kết quả sơ bộ và kế hoạch nghiên cứu vắc xin COVID-19 tại Việt Nam.
Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) cho biết: Để nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19, IVAC sử dụng chủng NDV-LaSota-S làm vector biểu hiện protein S của SARS-CoV-2. Đây là chủng có độc lực thấp được sử dụng trong nhiều loại vắc xin. Chủng virus này được đánh giá thích ứng và phát triển tốt trên trứng gà có phôi. Trong tháng 7, IVAC sản xuất lô sản phẩm dùng cho đánh giá tiền lâm sàng, sau đó thẩm định và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Dự kiến tháng 10 - 12, đơn vị sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một trên người và hai giai đoạn tiếp theo vào đầu năm 2021. Tháng 4/2021, đơn vị sẽ nộp hồ sơ cấp phép.
Ông Đỗ Tuấn Đạt, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) chia sẻ: Công ty đang sử dụng công nghệ vector Baculovirus trong phát triển vắc xin COVID-19, đã tiêm thử nghiệm trên chuột và cho kết quả đáp ứng miễn dịch trung hòa của vắc xin thấy rõ. Đặc biệt, vắc xin có đáp ứng miễn dịch ở liều nhắc lại. Đây là điều quan trọng và cần thiết đối với vắc xin. Đến nay, qua 3 tháng, với tốc độ làm việc nhanh của nhóm nghiên cứu, kết quả ban đầu khá khả quan.
Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) đang sử dụng công nghệ tái tổ hợp sử dụng vector virus sởi. POLYVAC đang chờ phê duyệt dự án nghiên cứu chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức đấu thầu sinh phẩm.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược NANOGEN cũng đã nghiên cứu thành công một ứng cử viên vắc xin subunit dựa trên protein S của virus SARS-CoV-2. Ứng cử viên này được phát triển bằng công nghệ tái tổ hợp. Vắc xin sẽ bao gồm protein S của hai chủng virus Vũ Hán và chủng đột biến D614G. Công ty đã thử nghiệm gây đáp ứng miễn dịch trên chuột và đang hoàn thiện quy trình sản xuất tiểu thể giống virus cho SARS-CoV-2.