Ông Trương Văn Trình cho biết thêm, hiện tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 của các lực lượng lao động, nhân viên ngành Y tế đạt 99% song tỷ lệ tiêm vaccine mũi 4 mới chỉ đạt 40%, rất thấp so với tỷ lệ tiêm vaccine của toàn quốc. Về nguyên nhân, ông Trương Văn Trình cho hay, nhiều nhân viên y tế mắc COVID-19 trong thời gian gần đây nên trong tháng 7-8 chưa đủ điều kiện để tiêm vaccine mũi 4. Ngành Y tế mong muốn sau lễ phát động này tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 trong ngành sẽ tăng cao.
Theo Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, tính đến ngày 23/8, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mũi 4 toàn thành phố Đà Nẵng đạt 44,02% (cả nước đạt 70%); tiêm mũi 3 của nhóm trẻ từ 12-17 tuổi đạt 29,87% (cả nước đạt 48,5%); tiêm mũi 1 của nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 55,01% (cả nước đạt 80%). Trong đó, tỷ lệ tiệm mũi 4 của đội ngũ cán bộ, nhân viên, lao động ngành Y tế chưa đạt yêu cầu. Ngành Y tế là lực lượng tuyến đầu chống dịch, vì thế việc bảo vệ sức khỏe, dự phòng mắc COVID-19 cũng như các biến chứng nặng đối với lao động ngành Y tế là đặc biệt quan trọng. Nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại của các nhóm đối tượng trên 70%, toàn thể công chức, viên chức, lao động ngành Y tế Đà Nẵng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiên phong gương mẫu, thực hiện nghiêm túc việc tiêm chủng vaccine; đồng thời vận động người thân trong gia đình, bạn bè thực hiện tiêm vaccine đúng lịch và kịp thời.
Cũng theo thông tin từ Sở Y tế, những tháng đầu năm 2022, với sự xuất hiện và chiếm ưu thế của biến chủng Omicron, thành phố ghi nhận đợt bùng phát dịch với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Với việc nâng tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cùng chiến lược thu dung điều trị phù hợp… Đà Nẵng đã nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện các biến chủng mới, trong khi hiệu lực bảo vệ vaccine phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian. Trên thực tế, số ca mắc mới có chiều hướng tăng trở lại từ tháng 7 trên phạm vi cả nước, với hơn 2000 ca mắc/ngày.
Tại thành phố Đà Nẵng, số ca mắc COVID-19 đã tăng trung bình từ 30 ca mắc/ngày trong tháng 6 lên 49 ca/ngày trong tháng 7 và 106 ca/ngày trong tháng 8. Tính đến ngày 21/8, số ca mắc thành phố Đà Nẵng ghi nhận trên hệ thống báo cáo quốc gia là 96.655 ca. Hiện tại thành phố đang có 562 ca điều trị tại nhà, 149 ca điều trị tại cơ sở y tế; trong đó có 5 trường hợp nặng, nguy kịch, gồm 1 trẻ em 28 tuần tuổi và 4 người lớn chỉ mới hoàn thành 2 liều cơ bản vaccine phòng COVID-19. Việc gia tăng số ca mắc, kéo theo sự gia tăng các ca bệnh nặng, tử vong đặc biệt đối với người bị bệnh nền, người chưa tiêm đầy đủ vaccine sẽ gây quá tải hệ thống y tế. Đặc biệt trong bối cảnh ngành y tế phải vừa phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết với số ca mắc cao nhất trong 5 năm qua, vừa thực hiện công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân khi cuộc sống đã dần trở về bình thường.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh, việc được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ là tấm khiên bảo vệ giúp người dân đủ sức khỏe để vượt qua những thời điểm căng thẳng nhất của dịch bệnh, từng bước trở lại cuộc sống bình thường. Do vậy, ngành Y tế cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức điều phối tiêm chủng vaccine cho nhân dân thật tốt, tổ chức tiêm đúng quy trình, nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.