Mùa xuân này, hàng trăm gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thừa Thiên – Huế được xây mới và sửa chữa nhà ở từ nguồn vốn vay hỗ trợ theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về "Chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025" (gọi tắt là Nghị định 28).
An cư trong những "ngôi nhà 28"
Gia đình chị Phạm Thị Bân, một hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu, ở thôn Ư Rang, xã Hương Hữu, huyện Nam Đông là một trong những hộ được vay vốn đầu tiên từ chương trình này. Hoàn cảnh gia đình chị Bân rất khó khăn, là hộ nghèo hai vợ chồng đều không có việc làm ổn định, kinh tế phụ thuộc vào làm ruộng nên không thể tích lũy để xây dựng một căn nhà kiên cố. Nhiều năm qua, cả gia đình phải sống tạm bợ trong căn nhà chật hẹp. Mỗi đợt bão lũ cả gia đình lại nơm nớp lo sợ. Được sự hỗ trợ của chính quyền và Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Bân được vay 40 triệu đồng với lãi suất thấp, gia đình đã đầu tư xây dựng nhà mới. Sau 3 tháng triển khai, đến nay, ngôi nhà mơ ước của gia đình chị đã hoàn thành và đưa và sử dụng trước thềm năm mới.
Chị Phạm Thị Bân vui mừng chia sẻ, gia đình chúng tôi được đón Tết trong nhà mới nên vui hơn mọi năm. Có nhà mới kiên cố chúng tôi không còn lo lắng khi bão về và sẽ cố gắng làm ăn để vươn lên. Cảm ơn Đảng, Nhà nước nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội đã ưu tiên hỗ trợ cho chúng tôi vay vốn để ổn định nhà cửa và phát triển kinh tế.
Trong căn nhà mới khang trang vừa xây xong, ông Nguyễn Văn Quách, xã Hồng Kim, huyện A Lưới, không dấu được niềm vui khi ước mơ "an cư lạc nghiệp" bao năm qua của gia đình ông đã trở thành hiện thực. Ông Quách tâm sự, được hỗ trợ cho vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện A Lưới theo Nghị định 28, gia đình chúng tôi đầu tư thêm 20 triệu để xây nhà mới. Được đón Tết trong nhà mới chúng tôi rất phấn khởi.
Các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 đã mở ra nhiều cơ hội mới, giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Kim, huyện A Lưới Hồ Văn Minh cho biết, thời gian qua, chính quyền cấp xã phối hợp với ngân hàng chính sách tiến hành rà soát đối tượng thụ hưởng để hoàn thiện các thủ tục vay vốn. UBND xã đã tổ chức phân công cán bộ về từng thôn để kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc sử dụng vốn vay theo nghị định 28 của Chính phủ. Bà con trên địa bàn rất phấn khởi khi có nhà ở ổn định trong Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và chương trình cũng đã hoàn thành kế hoạch đặt ra, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Đưa chính sách vào cuộc sống
Tại Thừa Thiên – Huế, chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 được triển khai tại 4 địa bàn gồm huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Ngay khi Nghị định 28 của Chính phủ ban hành, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tham mưu UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình.
Để Nghị định 28 đi vào cuộc sống, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các phòng giao dịch huyện, thị phối hợp các ban, ngành, cấp ủy, chính quyền cấp xã tiến hành rà soát đối tượng thụ hưởng và đẩy mạnh tuyên truyền Nghị định 28 đến với Nhân dân và hoàn tất hồ sơ thủ tục giúp bà con sử dụng hiệu quả nguồn vốn.
Theo Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đông Hoàng Minh Tứ, để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn và hiệu quả sử dụng nguồn vốn, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy chính quyền, ban ngành và hội đoàn thể ủy thác tiến hành rà soát các đối tượng thụ hưởng; tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng nhà ở đảm bảo đồng vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, bà con hưởng lợi đồng vốn theo mục tiêu chương trình dự án đề ra. Đến nay đơn vị đã tiến hành giải ngân cho 128 hộ vay với số tiền 5 tỷ đồng. Tất cả các hộ được vay đã tiến hành làm nhà và cơ bản hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Trên cơ sở nguồn vốn tín dụng cho vay theo Nghị định 28 do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phân bổ 28,9 tỷ đồng, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phân bổ về cho các phòng giao dịch huyện, thị xã để cho vay. Trong đó, huyện A Lưới 22 tỷ đồng; Nam Đông 5 tỷ đồng; Phú Lộc 850 triệu đồng và thị xã Hương Trà 1,1 tỷ đồng để tổ chức thực hiện cho vay. Trong năm 2022, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giải ngân cho vay số tiền 23,9 tỷ đồng với 600 hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng và sửa chữa nhà ở.
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Hoàng Anh Tuấn cho biết, để kịp có nhà cho bà con trước thềm Tết Nguyên đán Quý Mão, đơn vị đã chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp với Phòng dân tộc, Phòng Lao động, Thương binh và xã hội các huyện, thị xã để rà soát danh sách và kịp thời chuyển tải nguồn vốn chính sách cho bà con triển khai xây dựng nhà ở. Hiện nay, qua rà soát, vẫn còn hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thiếu nhà ở, thiếu đất sản xuất; riêng huyện A Lưới có đến 1.775 hộ thiếu nhà ở.
Thời gian tới, ngân hàng tiếp tục chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp với các ban, ngành liên quan chủ động tham mưu chính quyền địa phương ban hành các thủ tục cần thiết, để khi có vốn đơn vị sẽ giải ngân giúp bà con sớm ổn định nơi sinh sống, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.