Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP

Việc triển khai có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mở ra cơ hội khẳng định giá trị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề của tỉnh Bạc Liêu có khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều (trái) tham quan gian hàng trưng bài sản phẩm OCOP, ngày 24/12/ 2021.

Vĩnh Lợi là huyện thuần nông, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào trồng lúa, chăn nuôi cùng ngành nghề thủ công. Theo ông Trần Ngọc Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương rất chú trọng xây dựng Chương trình OCOP. Huyện đã triển khai Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019 – 2020; 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Kết quả đã có 6 sản phẩm được Hội đồng OCOP tỉnh Bạc Liêu đánh giá đạt từ 3 - 4 sao, hiện tại các sản phẩm đã được thị trường chấp nhận như: khô cá kèo Kiều Hạnh, rượu vang sơri Lâm Vũ, khô cá kèo Xuân Thảo, khô cá lóc Xuân Thảo, mắm cá đồng không xương Xuân Thảo và muối tinh Bạc Liêu.

UBND huyện Vĩnh Lợi cũng đã thành lập Tổ hỗ trợ OCOP, có trách nhiệm giúp đỡ, tư vấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất - kinh doanh, các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, bao bì, nhãn mác cũng như giới thiệu sản phẩm ra thị trường.

Với lợi thế là huyện thuần nông, Vĩnh Lợi còn nhiều sản phẩm có thể được xây dựng thành các sản phẩm đặc trưng như: gạo Tài nguyên, ổi Hồng Sen, năng bộp xã Vĩnh Hưng A, bồn bồn xã Châu Hưng A...

Có thể thấy, từ nguồn nguyên liệu sẵn có, với sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng, người dân đã nghiên cứu tạo ra nhiều sản OCOP. Điển hình là mặt hàng chả cá thát lát và cá thát lát tẩm gia vị sả nghệ của chị Nguyễn Thị Hồng Nhanh, ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân. Đây là những sản phẩm được sản xuất thủ công, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, chị Nhanh cho biết, sản phẩm OCOP của cơ sở ngày càng phát triển, khẳng định được thương hiệu. Từ việc thấy bà con trong ấp phát triển mô hình nuôi cá thát lát cườm nhiều khi không tiêu thụ được, chị Nhanh nghĩ đến việc chế biến đông lạnh để phục vụ người tiêu dùng. 

Chả cá thát lát và cá thát lát tẩm gia vị sả nghệ mang nhãn hiệu Hồng Nhanh có mặt trên thị trường hơn 3 năm qua, ngày càng khẳng định được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.

Cùng với xây dựng sản phẩm OCOP, ngành chức năng cùng chính quyền các địa phương đã hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ trí tuệ. Bên cạnh đó, hỗ trợ tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm, các hoạt động xúc tiến thương mại để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.

Nguyễn Thị Cục, Chủ nhiệm Hợp tác xã Quyết Tâm, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân chia sẻ, sản phẩm của hợp tác xã là các loại giỏ xách, nón, các loại hộp đựng đồ gia dụng… có điều kiện được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Hiện tại, hợp tác xã giải quyết việc làm thường xuyên cho 300 lao động tại địa phương với thu nhập ổn định, nhờ các đơn đặt hàng từ các công ty ở Tp. Hồ Chí Minh.

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, tỉnh hiện có 68 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được đánh giá từ 3 - 4 sao, nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản. Đối với các sản phẩm OCOP làng nghề truyền thống, Bạc Liêu có 10 làng nghề như đan lát, dệt chiếu, rèn dao, mộc… Nhiều sản phẩm OCOP đã xây dựng trở thành sản phẩm đặt trưng của địa phương phục vụ phát triển du lịch, như: mực một nắng, mực sấy khô, mực tẩm gia vị, mực chiên bột…

Ông Phạm Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu đánh giá, thông qua thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đến nay Bạc Liêu đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tạo cơ hội cho nông sản khẳng định vị thế trên thị trường.

Từ sự lan tỏa của chương trình, nhiều nông sản, sản phẩm làng nghề, đặc trưng của địa phương đã được các chủ thể đầu tư, phát triển sản xuất trở thành sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân.

Cũng theo ông Hải, bên cạnh hiệu quả tích cực, việc thực hiện chương trình vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Một số địa phương chưa tâm huyết, đôi lúc thiếu sự quan tâm trong việc thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó, cũng có không ít doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chưa thực sự mặn mà tham gia vào chương trình OCOP vì e ngại mất nhiều thời gian hoàn thiện các quy trình hồ sơ, thủ tục.

Thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức đến các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong toàn tỉnh về Chương trình OCOP. Cùng đó, Bạc Liêu sẽ nâng cao chất lượng đánh giá, phân hạng sản phẩm; số hóa, cải cách các thủ tục trong lập hồ sơ đánh giá, phân hạng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu sẽ phối hợp với các ngành có liên quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học, cho ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường ngoài tỉnh; quảng bá, giới thiệu sản phẩm theo hướng đổi mới hình thức cũng như phương pháp xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm chủ lực thông qua các cuộc hội chợ, triển lãm.

Hình thành các điểm bán hàng, điểm giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử nhằm tăng cường kết nối cung cầu, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập kinh tế gia đình.

Tin, ảnh: Tuấn Kiệt (TTXVN)
An Giang: Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến và phát triển sản phẩm OCOP
An Giang: Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến và phát triển sản phẩm OCOP

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị của các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và các sản phẩm tiềm năng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống người dân, thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến và phát triển sản phẩm OCOP.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN