Vĩnh Long đặt mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 30 triệu USD 

Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2030 đạt kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả 30 triệu USD; trong đó, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên. Đó là mục tiêu của Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Hoài Thu/TTXVN

Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu giảm tổn thất sau thu hoạch rau quả đến 2030 đạt nhỏ hơn 10%; trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt trình độ và công nghệ sản xuất tiên tiến; công suất chế biến đạt 24.000 tấn sản phẩm/năm, gấp đôi so với năm 2020. Đồng thời, tỉnh tăng cường thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa đầu tư vào ngành chế biến rau quả của địa phương.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Vĩnh Long tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: đầu tư nâng cao năng lực chế biến rau quả; phát triển cơ sở sơ chế, bảo quản rau quả tươi; đẩy mạnh chế biến các sản phẩm rau quả chủ lực, sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tổ chức sản xuất rau quả nguyên liệu phục vụ chế biến; phát triển thị trường tiêu thụ rau quả.

Theo đó, tỉnh ưu tiên phát triển một số loại rau quả chủ lực có lợi thế sản xuất, mang tính đặc sản vùng miền và có khả năng liên kết với các địa phương xung quanh để tạo ra vùng rau quả tập trung, quy mô hàng hóa lớn.

Song song đó, tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo các loại giống rau quả có năng suất, chất lượng, chống chịu tốt với hạn, mặn và sâu bệnh; phát triển sản xuất rau quả hữu cơ và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để có thể thu hoạch rải vụ, hạn chế tính thời vụ, nhằm tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến.

Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ nguyên liệu rau quả và phế phụ phẩm sau chế biến; ưu tiên tập trung chế biến các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm cây lúa, khoai lang, cây có múi (bưởi Năm Roi, bưởi Da xanh, cam Sành) và sản phẩm có tỷ lệ đưa vào chế biến còn thấp như: thanh long, nhãn, mít, xoài, chuối, dưa hấu và các loại rau cải, cà chua, rau gia vị...

Mặt khác, tỉnh quan tâm thu hút đầu tư cơ sở chế biến hiện đại và nâng cấp công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực chế biến rau quả. Đến năm 2030, tại những khu vực sản xuất rau quả tập trung, hợp tác xã sản xuất và tại các cơ sở, đại lý thu gom lớn được đầu tư máy, trang thiết bị, xưởng sơ chế, đóng gói và kho mát với quy mô phù hợp để hình thành hệ thống các cơ sở sơ chế, đóng gói đồng bộ. Đồng thời, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trung tâm chiếu xạ thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế gắn với các vùng sản xuất rau quả tập trung, quy mô lớn.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có diện tích rau các loại khoảng 16.942 ha, cho sản lượng hàng năm khoảng 280.000 tấn/năm; khoai lang 13.000 ha, cho sản lượng khoảng 390.000 tấn/năm. Riêng cây ăn trái chiếm diện tích khá lớn khoảng 61.045 ha gồm các loại quả như: cam Sành, bưởi Năm Roi, bưởi Da Xanh, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, xoài, thanh long, mít… Hiện toàn tỉnh có 17 cơ sở chế biến rau quả quy mô vừa, nhỏ và hộ gia đình với tổng công suất thiết kế khoảng 12.000 tấn sản phẩm/năm; kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả năm 2020 là 16,53 triệu USD.

Tuy nhiên, sản xuất và chế biến, bảo quản rau quả của tỉnh hiện chưa phát huy hết tiềm năng như: Số lượng cơ sở chế biến lớn, hiện đại không có; tỷ lệ rau quả đưa vào chế biến chỉ đạt 10%; công tác bảo quản kém, tổn thất sau thu hoạch cao trên 20%; tổ chức liên kết còn lỏng lẻo… nên lĩnh vực chế biến rau quả chưa đáp ứng được đầu ra của người sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Phạm Minh Tuấn (TTXVN)
Xuất khẩu rau quả chuyển dịch tích cực
Xuất khẩu rau quả chuyển dịch tích cực

Xuất khẩu rau quả Việt Nam những tháng đầu năm nay có sự sụt giảm khá mạnh. Bởi, thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN