Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh Lê Thành Đông cho biết: Phát huy truyền thống quê hương Xô Viết anh hùng, tuổi trẻ Hà Tĩnh hôm nay đã và đang phấn đấu học tập, rèn luyện, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo trên mọi lĩnh vực, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, từng bước đưa tình hình Hà Tĩnh nổi bật lên như Bác Hồ từng căn dặn. Trong dịp này, tuổi trẻ toàn tỉnh đã tổ chức 118 Diễn đàn thanh niên với các chủ đề “Tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh 12/9 bất diệt”, “Sáng mãi tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh”, “Phát huy tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh Trong thời kỳ mới”; 52 chuyến hàng hương thăm, viếng địa chỉ đỏ, tặng quà tri ân lão thành cách mạng, gia đình chính sách, 6 đợt làm vệ sinh môi trường…, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia.
Tại chương trình, các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ và đồng bào hy sinh trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại Nhà Lưu niệm và Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Trước Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã tổ chức lễ kết nạp lớp Đoàn viên và Đội viên mới và sinh hoạt truyền thống “Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bản Thiên Anh hùng ca bất diệt”. Trong đó, có nội dung quan trọng là nghi lễ chào cờ trước Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh, tất cả đại biểu cùng 90 đoàn viên thanh thiếu nhi cùng hát Quốc ca dưới màu cờ đỏ, dưới tượng đài bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tượng đài của lòng yêu nước, của ý chí đấu tranh bất khuất kiên cường…
Sau buổi lễ, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh phối hợp Công ty Điện lực Hà Tĩnh và huyện đoàn Can Lộc đi thăm hỏi, tặng quà các Đảng viên lão thành cách mạng có trên 70 năm tuổi Đảng trên địa bàn huyện Can Lộc.
90 năm trước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân làm nên cao trào cách mạng 1930-1931 dậy sóng trong cả nước mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Bắt đầu từ hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1930), phong trào bùng nổ với các cuộc mít tinh, tuần hành, biểu dương lực lượng, rải truyền đơn ở nhiều nơi, đặc biệt là của công nhân Vinh - Bến Thủy. Sau đó, lan rộng ra cả 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Từ ngày 1/5 đến tháng 8/1930 đã diễn ra 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân, nông dân Nghệ Tĩnh. Từ tháng 9 trở đi, sau 2 cuộc biểu tình lớn của nông dân 2 huyện Nam Đàn, Thanh Chương, cao trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh chuyển biến vượt ra ngoài dự kiến của tổ chức Đảng.
Bằng những cuộc biểu tình có vũ khí thô sơ và các đội tự vệ đỏ hỗ trợ, nông dân các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Can Lộc, Thạch Hà, Hưng Nguyên... dồn dập tấn công vào chính quyền của thực dân, phong kiến ở Nghệ Tĩnh khiến chính quyền từ huyện đến xã bị rối loạn.
Trước sự sụp đổ của chính quyền thực dân và phong kiến ở Nghệ Tĩnh, các chi bộ và tổ chức Nông hội đỏ đã quản lý và điều hành mọi hoạt động trong làng xã và lập ra chính quyền Xô viết. Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy chỉ tồn tại trong vòng 7 tháng và còn sơ khai nhưng đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công - nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước, nô lệ.