Đến thời điểm hiện tại, Ninh Thuận không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Về chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, tỉnh cũng chưa có lô hàng thủy sản nào bị yêu cầu chứng nhận.
Cùng với đó, Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận tổ chức cho ngư dân ký cam kết chấp hành các quy định trong hoạt động đánh bắt thủy sản và những điều cần chú ý khi khai thác hải sản trên biển; phối hợp cùng các tỉnh phía Nam, các cấp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong khai thác hải sản.
Tỉnh Ninh Thuận hiện có 812 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đủ điều kiện tham gia khai thác xa bờ. Đến nay có 798/812 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 98,3% (trong đó 100% tàu cá từ 24 mét trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình). Tất cả các tàu cá đều đã đăng ký, cấp phép khai thác, được cập nhật đầy đủ lên phần mềm VNfishbase của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhằm đạt chỉ tiêu sản lượng khai thác của năm và tiến tới phát triển nghề cá của địa phương một cách bền vững; Chi cục tiếp tục phối hợp cùng các địa phương vùng biển tăng cường tuyên truyền các quy định về khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; vận động ngư dân tham gia khai thác vùng biển xa và thành lập các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển; thông báo bản tin ngư trường, thời tiết để ngư dân chủ động xây dựng kế hoạch di chuyển tàu cá khai thác hiệu quả.
Trong 9 tháng năm 2022 ngư dân tỉnh Ninh Thuận đã khai thác được gần 114.500 tấn hải sản các loại, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng và chế biến.
Theo Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, trong 9 tháng năm 2022, số lượng tàu cá tham gia khai thác chiếm 90% tàu cá toàn tỉnh, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, xuất hiện nhiều đàn cá nổi có trữ lượng lớn và kéo dài nhiều ngày trên các ngư trường cùng với ứng dụng công nghệ trong khai thác hải sản hiệu quả hơn nên sản lượng khai thác tiếp tục được duy trì ở mức cao, tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh đạt trên 114.500 tấn hải sản các loại, bằng 92,55% kế hoạch năm và tăng 1,38% so với cùng kỳ.
Qua theo dõi, các nghề pha xúc, lưới vây, mành, lưới kéo đạt sản lượng cao với các đối tượng khai thác chủ yếu gồm cá cơm, cá nục, cá ngừ, cá đổng, cá sơn, cá hố, mực ống, mực nang, ghẹ… Phần lớn sản phẩm thu được chủ yếu tiêu thụ tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh. Riêng cá cơm, cá nục khai thác tại ngư trường phía Nam, các chủ tàu cá chủ yếu bán ở trên biển cho các tàu dịch vụ thủy sản, hoặc bán cho tỉnh ngoài như ở Bình Thuận, Sóc Trăng và Kiên Giang.
Vào từng thời điểm, các sản phẩm như cá cơm có giá từ 10.000 – 20.000 đồng/kg; cá nục từ 20.000 - 40.000 đồng/kg; cá hố các loại từ 50.000 – 80.000 đồng/kg; cá lồ ồ từ 15.000 -20.000 đồng/kg; cá bạc má từ 30.000 – 45.000 đồng/kg; cá đổng từ 30.000 - 50.000 đồng/kg; cá ngừ sọc dưa từ 25.000 - 45.000 đồng/kg; mực nang có giá 140.000 - 220.000 đồng/kg; mực ống từ 90.000 - 140.000 đồng/kg; tôm biển từ 140.000 - 250.000 đồng/kg; ghẹ từ 120.000 - 260.000 đồng/kg... Các tàu khai thác đạt sản lượng khá và sản phẩm được thu mua với giá tương đối cao đã tạo động lực cho ngư dân vươn khơi, bám biển.
Để đạt chỉ tiêu sản lượng khai thác hải sản cả năm đạt 119.500 tấn; trong đó, khai thác hải sản xa bờ chiếm khoảng 70% sản lượng. Từ nay đến cuối năm, Ninh Thuận tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các chủ phương tiện sửa chữa, nâng cấp đội tàu cá công suất lớn với trang thiết bị hàng hải hiện đại giúp bà con ngư dân vươn khơi khai thác hải sản xa bờ.
Mặt khác, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh dầu trên địa bàn các địa phương ven biển nhằm bảo đảm việc bán hàng xăng dầu không bị gián đoạn, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện tàu thuyền mua nhiên liệu đầy đủ để tiếp tục vươn khơi.