Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025. Theo đó, đến cuối năm 2022, ba xã cuối cùng của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (85/85 xã), 10 xã nông thôn mới nâng cao, 2 huyện Cầu Ngang và Duyên Hải đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2023, huyện cuối cùng của tỉnh là Trà Cú đạt chuẩn nông thôn mới (9/9 đơn vị cấp huyện), huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2024, tỉnh có thêm huyện Tiểu Cần đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ các xã, huyện đạt mục tiêu. Đối với 3 xã Ngãi Xuyên, Hàm Giang và Kim Sơn của huyện Trà Cú, Chủ tịch UBND yêu cầu Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Trà Cú phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ 3 xã đẩy nhanh tiến độ đảm bảo cuối năm 2022 đạt 19/19 tiêu chí.
Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao hoặc dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022, tỉnh củng cố, hoàn thiện các tiêu chí theo yêu cầu Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; trong đó, tập trung vào các tiêu chí giao thông, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, chất lượng môi trường sống.
Đối với đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021, các huyện phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới giai đoạn 2022-2025, tỉnh đầu tư nâng chất hoàn thiện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới; trong đó, tập trung vào các tiêu chí khó đạt như: y tế-văn hóa-giáo dục; kinh tế; môi trường; hệ thống chính trị-an ninh trật tự-hành chính công.
Hai huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 là Cầu Ngang và Duyên Hải từ nay đến cuối năm đảm bảo hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương xem xét, công nhận.
Đối với các huyện dự kiến đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung điều chỉnh phù hợp theo định hướng phát triển đô thị. Đồng thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn; đầu tư các công trình lớn, quan trọng thiếu yếu, đảm bảo kết nối thông suốt giữa các vùng. Các tuyến đường huyện đảm bảo được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phát triển du lịch, đảm bảo sáng, xanh, sạch đẹp và an toàn.
Cùng với đó, tỉnh Trà Vinh tập trung nhiều nhóm giải pháp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025. Tỉnh đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự quyết tâm đồng lòng tham gia xây dựng nông thông mới của người dân, phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong tuyên truyền; đề ra nhiều giải pháp về quy hoạch, cơ chế, chính sách; kết nối nông thôn với phát triển đô thị; huy động và sử dụng nguồn lực; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; phát triển sản phẩm OCOP…