Chiều 12/10 bà Nguyễn Thị Thanh Loan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Bình Phước cho biết, mặc dù giá các mặt hàng xăng dầu đã được điều chỉnh tăng từ 15 giờ ngày 11/10, tuy nhiên đến chiều 12/10 tình trạng nhiều trạm xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn ngừng bán, hoặc chỉ bán với số lượng ít.
Theo Cục Quản lý Thị trường Bình Phước, tình trạng nhiều trạm xăng dầu trên địa bàn đóng cửa hoặc chỉ bán một mặt hàng xăng, hoặc dầu đã diễn ra từ ngày 3/10, những ngày sau đó số lượng cửa hàng nghỉ bán tiếp tục tăng lên.
Nếu như ngày 3/10 trên địa bàn Bình Phước có 16 trạm xăng dầu thông báo hết hàng và ngừng bán; đến ngày 10/10 số trạm thông báo ngừng bán là 65; ngày 11/10 số trạm xăng dầu thông báo hết hàng lên đến 84 cửa hàng; trong đó, 41 trạm hết cả xăng và dầu, 38 trạm hết xăng và 5 trạm hết dầu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, cho biết đến 14 giờ ngày 12/10, trên địa bàn Bình Phước vẫn còn 68 cửa hàng hết xăng dầu; trong đó, 23 cửa hàng hết cả xăng và dầu, 38 cửa hàng hết xăng còn dầu, 7 cửa hàng hết dầu còn xăng.
Cục Quản lý Thị trường Bình Phước, cho biết quá trình kiểm tra, giám sát thời gian qua đơn vị chưa ghi nhận trường hợp có dấu hiệu găm hàng không bán.
“Các cơ sở kinh doanh xăng dầu cho biết do nguồn cung khan hiếm, nhu cầu người dân tăng cao, hàng nhập về đến đâu, bán hết đến đó nên buộc các trạm xăng phải treo bảng hoặc thông báo hết hàng xăng hoặc dầu. Khi có hàng về, các cơ sở tiếp tục mở bán bình thường” - Cục Quản lý Thị trường Bình Phước cho biết.
Trước tình trạng khan hiếm nguồn cung khiến nhiều trạm xăng dầu nghỉ bán, Sở Công Thương Bình Phước đã có văn bản gửi Bộ Công Thương; trong đó, kiến nghị bộ chỉ đạo các thương nhân đầu mối nghiêm túc thực hiện việc phân phối xăng dầu đầy đủ, kịp thời đến các thương nhân phân phối, thương nhân làm đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu nhằm ổn định hoạt động kinh doanh xăng dầu trên thị trường; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị định về kinh doanh xăng dầu để phù hợp hơn so với tình hình thực tế; có giải pháp tăng cường kiểm tra việc chủ động nguồn hàng dự trữ, phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối) để đảm bảo nguồn cung đầy đủ cho thị trường và cho các thương nhân phân phối.
Sở Công Thương Bình Phước kiến nghị Liên bộ Tài chính - Công Thương kịp thời điều chỉnh phụ phí, chi phí đưa xăng dầu về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở trong kỳ điều hành giá xăng dầu sớm nhất có thể, qua đó góp phần giải quyết khó khăn và có mức chiết khấu, lợi nhuận dương cho cả chuỗi cung ứng từ doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ cũng như giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo cung cầu thị trường; sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước đảm bảo phù hợp với diễn biến giá cả thị trường hiện nay.