Đây là một sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động động tăng cường kết nối giao thương giữa Việt Nam và Hàn Quốc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (22/11/1992 - 22/12/2022).
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, dự hội nghị về phía tỉnh Thái Bình có ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cùng nhiều lãnh đạo địa phương khác. Về phía Hàn Quốc, đại diện KOSME cùng hơn 100 doanh nghiệp nước này đã tham gia hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải khẳng định đối với tỉnh Thái Bình, trong nhiều năm qua, Hàn Quốc luôn là đối tác tin cậy, quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Về đối ngoại nhân dân và địa phương, từ năm 2017, UBND tỉnh Thái Bình và chính quyền thành phố Yeongju, tỉnh Gyongsangbuk, Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị; hai bên đã triển khai thỏa thuận hợp tác về lao động thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện đang có 26 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 128 triệu USD; có gần 100 nhà đầu tư, chuyên gia Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc và tỉnh có hơn 1.500 người đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc.
Với dư địa, tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa các nhà đầu tư Hàn Quốc và tỉnh Thái Bình còn rất lớn, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải trân trọng mời gọi các nhà đầu tư, các đối tác Hàn Quốc đến nghiên cứu, khảo sát cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh tại tỉnh Thái Bình; đồng thời khẳng định tỉnh Thái Bình sẽ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các cam kết, đó là tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư. Đặc biệt là đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, tỉnh sẽ chỉ đạo Tổ công tác xúc tiến đầu tư từ Hàn Quốc - Korea Desk Thái Bình và Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh hỗ trợ trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư; đồng hành cùng với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời mọi khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, Nguyễn Vũ Tùng nêu rõ thế giới đang trải qua những biến động nhanh chóng, sâu sắc chưa từng có, đặc biệt do những tác động của đại dịch COVID-19 và căng thẳng thương mại leo thang. Việt Nam, Hàn Quốc cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới đã chứng kiến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng cũng như nhận thức rõ ràng rủi ro của sự quá phụ thuộc vào 1 thị trường. Tình hình đó đặt ra cho Việt Nam và Hàn Quốc đòi hỏi bức thiết về việc tăng cường, thắt chặt hơn nữa sự liên kết của chuỗi cung ứng cũng như dịch chuyển đầu tư, thương mại, đa dạng hóa cơ sở sản xuất, đảm bảo sản xuất không gián đoạn. Trong 30 năm qua, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược vào năm 2009, giao lưu các cấp và nhân dân Việt Nam – Hàn Quốc ngày càng gắn kết, tin cậy chính trị ngày càng được củng cố. Trong đó, hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng, là điểm sáng trong quan hệ hợp tác hai nước và đang tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào đa dạng lĩnh vực, ngành nghề và các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn chưa có đầy đủ thông tin về một số địa phương ở Việt Nam có môi trường đầu tư hấp dẫn để có thể tiếp tục đầu tư, phát triển dự án hiệu quả. Vì thế, hội nghị này là cơ hội để chia sẻ các thông tin hữu ích, giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc có góc nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về môi trường đầu tư của tỉnh từ đó có thể mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất tại Thái Bình nhằm tận dụng tối đa các ưu đãi đầu tư của tỉnh, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc và thúc đẩy sự thịnh vượng chung của hai quốc gia.
Giới thiệu về tiềm năng và thế mạnh thu hút đầu tư của tỉnh Thái Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Quang Hưng cho biết Thái Bình là một tỉnh đồng bằng nằm trong tuyến hành lang kinh tế ven biển, kết nối các khu kinh tế của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 110 km và giáp với thành phố Hải Phòng, là vùng đất giàu truyền thống, hiện lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng, là quê hương của làn điệu chèo và múa rối nước.
Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tỉnh Thái Bình có quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp lớn. Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện có 8 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích quy hoạch 1.930 ha, bao gồm 6 khu công nghiệp ngoài khu kinh tế, 2 khu công nghiệp trong khu kinh tế.
Đặc biệt, tỉnh Thái Bình có Khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 2017 với diện tích tự nhiên là 30.583 ha. Khu kinh tế Thái Bình là khu kinh tế ven biển thứ 17 của Việt Nam, là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Thái Bình. Để hỗ trợ các nhà đầu tư, tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt là cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình.
Tại hội nghị, đại diện một số nhà đầu tư Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm đầu tư vào tỉnh Thái Bình; các lãnh đạo tỉnh trực tiếp làm rõ một số vấn đề các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm như cơ chế ưu đãi khi đầu tư vào tỉnh.
Trước đó, Đoàn công tác đã thăm và làm việc với lãnh đạo chính quyền tỉnh Gyeongsangbuk và tỉnh Chungcheongbuk nhằm tìm kiếm và thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Thái Bình với 2 tỉnh này. Đoàn công tác cũng làm việc với Công ty Daewoo E&C và một số doanh nghiệp đang quan tâm đến lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng và thành phố thông minh.