Trong đó, đối với hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, các địa phương tiếp nhận 365 doanh nghiệp, số lao động đề nghị hỗ trợ là 20.134 người, tổng số tiền 26,84 tỷ đồng. Đối với hỗ trợ người lao động quay lại thị trường lao động, các địa phương tiếp nhận 151 đơn vị, đề nghị hỗ trợ 2.591 người, tổng số tiền 3,7 tỷ đồng.
Ông Phan Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang cho biết, thực hiện Quyết định 08/2022/QĐ-TTg, ngày 28/3 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 26/4/2022 và Quyết định số 1190/QĐ-UBND ngày 28/4/2022 về việc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội trên địa bàn tỉnh. Sở đang tích cực phối hợp với các địa phương đẩy nhanh giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, phấn đấu hoàn tất vào cuối tháng 8/2022.
Đến nay, tỉnh đã giải ngân hỗ trợ cho 24.562 người của 482 lượt doanh nghiệp với số tiền 30,441 tỷ đồng (đang làm việc tại doanh nghiệp là 22.211 người, quay trở lại thị trường lao động 2.351 người). Các địa phương phê duyệt kinh phí hỗ trợ đạt khoảng 83,35% so với hồ sơ tiếp nhận; tiến độ giải ngân khoảng 83% so với số đã được phê duyệt.
Tại huyện Chợ Gạo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Tấn Hưởng cho biết, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận hồ sơ của 12 doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ, với 123 lao động, trong đó có 104 người đang làm việc trong doanh nghiệp và 19 người quay trở lại thị trường lao động, kinh phí hỗ trợ 203 triệu đồng. Đến nay, huyện đã chi hỗ trợ cho 99 lao động với số tiền 137 triệu đồng.
Qua ghi nhận, việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh còn gặp một số vướng mắc như: Tiến độ thực hiện thủ tục cấp kinh phí, chuyển kinh phí qua kho bạc, ngân hàng và đề nghị cấp bổ sung ở một số huyện còn chậm do đó tiến độ giải ngân chậm. Nhiều doanh nghiệp gửi hồ sơ chưa đúng biểu mẫu, chưa đúng đối tượng nên trả lại doanh nghiệp bổ sung mất nhiều thời gian.
Ông Phan Thanh Vân cho biết thêm, thời gian tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục đôn đốc các huyện đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và giải ngân kinh phí; phối hợp với Sở Tài chính cấp kinh phí kịp thời cho các huyện chi hỗ trợ; cập nhật, tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ. Trong quá trình triển khai thực hiện, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phân công cán bộ đầu mối thường xuyên tiếp nhận ý kiến, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp và phân công cán bộ phụ trách địa bàn huyện để hỗ trợ kịp thời. Sở tiếp tục giám sát tình hình thực hiện ở một số địa phương còn triển khai chậm việc giải ngân để hướng dẫn, đôn đốc thực hiện.