Theo đuổi đam mê
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, anh Bùi Xuân Quế, sinh năm 1987, đã quyết tâm trở về quê hương lập nghiệp. Xuất phát từ niềm đam mê với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, anh từ bỏ công việc ổn định cho doanh nghiệp của Nhật Bản với thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng để tìm hướng đi riêng.
Anh Bùi Xuân Quế chia sẻ, nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch của người dân ngày càng cao, anh quyết định khởi nghiệp bằng trồng rau sạch. Tuy nhiên, con đường đi tới thành công đầy trắc trở. Những ngày đầu, anh gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm trồng trọt, không am hiểu thời vụ, chưa có thị trường, nhất là thiếu vốn. Vì vậy, anh vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Anh Bùi Xuân Quế với những sản phẩm nông nghiệp sạch của mình
Con đường khởi nghiệp của anh bắt đầu từ năm 2017, với 10 triệu đồng tiền lương vừa nhận được khi nghỉ việc trong doanh nghiệp dùng để mua cây, con giống, làm đất. Anh phải vay thêm vốn để mua phân bón... Khó khăn chồng chất, nhưng anh đã không nản chí, kiên trì theo đuổi ước mơ.
Ban đầu, anh lựa chọn trồng các cây hoa màu như su hào, bắp cải, dưa lê… Tuy nhiên, đây là các loại cây năng suất thấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Đặc biệt, do trồng theo tiêu chí rau sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên cây sinh trưởng, phát triển chậm, thường xuyên bị sâu bệnh, có vụ mất trắng.
Sau khi thất bại, anh học hỏi kinh nghiệm trên sách, báo, quyết định chuyển hướng sang trồng dưa baby trong nhà màng. Anh Bùi Xuân Quế cho biết, dưa leo là cây có giá trị kinh tế cao, thời gian canh tác từ trồng đến thu hoạch là 30 ngày, thị trường tiêu thụ rộng. Do vậy, anh đã tìm hiểu sâu về kỹ thuật trồng cây này, đồng thời quyết định vay 350 triệu đồng vốn khởi nghiệp của Đoàn thanh niên để xây dựng hệ thống nhà màng.
Mô hình trồng dưa baby của anh Bùi Xuân Quế mang lại nguồn cảm hứng, hướng đi phát triển kinh tế cho nhiều người.
Với cách thức tự học, làm thử và rút kinh nghiệm, anh đã thành công ngay từ vụ dưa đầu tiên. Dưa có chất lượng tốt, từ bày bán trong các chợ truyền thống, dưa leo của anh được bán tại cửa hàng thực phẩm sạch, dần có chỗ đứng trên thị trường.
Anh Bùi Xuân Quế cho biết, với thanh niên, nguồn vốn khởi nghiệp được ví như “bà đỡ” giúp hiện thực hóa ý tưởng. Thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp, giải ngân nhanh, nguồn vốn khởi nghiệp đã tạo động lực cho anh mạnh dạn làm kinh tế. Thấy hiệu quả kinh tế bước đầu của mô hình, năm 2020, anh cùng 5 thành viên khác thuê thêm hơn 5.200 m2 đất, thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Xuân Mai để mở rộng sản xuất.
Để tìm đầu ra ổn định, sản phẩm dồi dào, anh Bùi Xuân Quế thực hiện chuyển giao công nghệ cho những người có nhu cầu; đồng thời, đưa sản phẩm của mình vào chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trên địa bàn tỉnh. Đến nay, mỗi tháng, gia đình anh thu hoạch hơn 10 tấn dưa. Mỗi năm, mô hình trồng dưa của anh đem lại doanh thu trên 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 20%, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Thành công vì dám chấp nhận thử thách
Đến thăm mô hình sản xuất măng tây của Phạm Xuân Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, ít ai có thể ngờ tới đây là mô hình do thanh niên làm chủ,
Vốn là Cử nhân công nghệ thông tin (Đại học Bách khoa Hà Nội), sau khi ra trường, anh Sơn làm việc tại một công ty ở Hà Nội, với mức thu nhập khá cao. Nhưng ới quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh đã bỏ việc, về quê.
Năm 2015, anh Sơn quyết định thầu đất tại thôn Xuân Bình, xã Đại Xuân, thị xã Quế Võ, đầu tư trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGap, với số vốn ban đầu là 300 triệu đồng. “Thời điểm đó, bạn bè, người thân phản đối tôi nhiều lắm. Họ bảo tôi liều lĩnh, mạo hiểm quá. Cũng may, dù khó khăn, thậm chí sau bao lần thất bại, tôi vẫn nhận được niềm tin, sự ủng hộ từ gia đình. Đó là nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao để tôi vượt qua tất cả!”, anh Sơn ngậm ngùi nhớ lại.
Anh Phạm Xuân Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh (ngoài cùng bên trái) được tuyên dương Thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh năm 2024.
Xây dựng mô hình trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGap khi kinh nghiệm trong tay chỉ là con số “0”, anh Sơn phải tự tìm tòi, học hỏi kiến thức trồng rau sạch qua báo, đài, trải nghiệm thực tế bằng việc tích cực tham quan mô hình trong, ngoài tỉnh. Song vụ đầu tiên khởi nghiệp với 8.000 cây măng tây giống, trồng trên diện tích 5.000m2, anh Sơn đã thất bại do ảnh hưởng của thời tiết và quy trình chăm sóc không hợp lý.
Thất bại này chẳng thể ngăn nổi ý chí vươn lên, cùng niềm đam mê sản xuất nông nghiệp sạch, anh Sơn quyết định với bước đi tiếp theo. Năm 2020, được vay 900 triệu đồng từ Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn, anh đầu tư, cải tạo lại hệ thống tưới nước cho vườn măng tây và triển khai xây dựng 2.000m2 nhà màng công nghệ cao để trồng thêm giống dưa chuột baby và dưa lưới.
Được trồng trong nhà màng công nghệ cao với kỹ thuật chăm sóc hiện đại, vườn dưa lưới và dưa chuột baby phát triển tốt, cho năng suất cao, cung ứng cho chuỗi nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong tỉnh. Trung bình 1.000m2 dưa lưới cho năng suất 2,5 tấn/ vụ, với giá bán buôn 35 nghìn đồng/1kg và 5 tấn dưa chuột baby/ vụ với giá 20 nghìn đồng/1kg; một năm cây măng tây cho 8 tháng thu hoạch, mỗi ngày thu từ 35 đến 40kg măng tây, với giá trung bình từ 50 nghìn đến 55 nghìn đồng/ kg. Tổng doanh thu đạt gần 700 triệu đồng/năm, trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ năm.
Mô hình khởi nghiệp của anh Quế, anh Dũng là 2 trong số rất nhiều mô hình thanh niên lựa chọn con đường khởi nghiệp từ nông nghiệp. Hy vọng những mô hình này sẽ mở ra hướng phát triển mới cho nền nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời hiện thực hóa ước mơ làm giàu trên đồng đất quê hương của các bạn đoàn viên thanh niên trong tỉnh.