Thanh Hóa mở rộng hợp tác kết nối đầu tư, thương mại với Italia

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Việt Nam, Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam, tổ chức Hội thảo kết nối đầu tư, thương mại Thanh Hóa – Italia. 

Chú thích ảnh
 Ảnh: Quang cảnh buổi hội thảo

Với dân số 3,64 triệu người, Thanh Hóa có nguồn nhân lực dồi dào trên 2,6 triệu lao động, trình độ văn hóa tương đối cao, trong đó, lao động đã qua đào tạo chiếm gần 73% tổng số lao động.

Bên cạnh điều kiện tự nhiên phong phú, lịch sử văn hóa truyền thống lâu đời, Thanh Hóa có trên 1.535 di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong đó có Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới; Khu di tích lịch sử Lam Kinh và Khu di tích Bà Triệu được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt; các bãi biển đẹp như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, là những tiềm năng, lợi thế để các nhà đầu tư Italia trải nghiệm các dịch vụ du lịch chất lượng cao. 

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hệ thống thể chế ngày càng hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Đặc biệt, ngày 13/11/2021, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết số 37 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, mở ra cơ hội nổi trội và khác biệt cho tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,6%, đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước và đứng đầu các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ.

Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 273 nghìn tỷ đồng, gấp 1,45 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa sang Châu Âu luôn đạt mức cao, năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Châu Âu đạt 558 triệu USD, trong đó, xuất khẩu sang Italia đạt 22,3 triệu USD, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: ngao sấy, ngao đông lạnh, giầy dép, hàng may mặc, đá ốp lát, hạt nhựa,...

Tỉnh Thanh Hóa đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ chủ động, tích cực hội nhập kinh tế thế giới; tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển, coi đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế của tỉnh; trong đó, tỉnh Thanh Hóa tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào 3 trụ cột phát triển và 2 lĩnh vực ưu tiên, đó là:

Ngành công nghiệp chế biến/chế tạo: Tập trung ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển sản xuất nhựa và công nghiệp lọc hóa dầu, dệt kim, may mặc và giầy dép, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, gỗ và nội thất, trung tâm vật liệu xây dựng tiên tiến, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, xe điện, phụ tùng ô tô, sản xuất thiết bị y tế, sản phẩm công nghệ sinh học, dược phẩm và các ngành công nghiệp nặng...
                 
Ngành du lịch: Ưu tiên thu hút loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch di sản, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh; ngoài ra, tỉnh còn ưu tiên phát triển các dịch vụ du lịch cao cấp, chất lượng cao như khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, nhà hàng và các khu giải trí cao cấp.
               
Ngành nông nghiệp: Tỉnh sẽ ưu tiên áp dụng khoa học công nghệ, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, phát triển các trang trại chăn nuôi chất lượng, an toàn, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại vào nuôi trồng và đánh bắt hải sản xa bờ. Phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, nguyên liệu luồng gắn với xây dựng các nhà máy chế biến tinh phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
               
Ngành y tế: Tập trung thu hút các nhà đầu tư bệnh viện ngoài công lập, nhất là theo hình thức đầu tư liên doanh liên kết hoặc đối tác công tư với các bệnh viện công lập sẵn có; đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) và sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế công nghệ cao.

Đô thị hóa và cơ sở hạ tầng: Tập trung vào các dự án nâng cấp hệ thống đường bộ, cảng biển; kết nối, nâng cấp sân bay, nhà máy cấp nước, xử lý nước, nhà máy thủy điện, điện khí LNG.

Thanh Hóa đánh giá cao uy tín, vai trò và tầm quan trọng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Châu Âu, trong đó, có doanh nghiệp Italia trong các lĩnh vực và trân trọng mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp Italia nghiên cứu đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa, nhất là đầu tư vào 3 trụ cột phát triển và 2 lĩnh vực ưu tiên.

Ngài Marco Della Seta, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi tham gia chương trình hội thảo về xúc tiến thương mại và đầu tư giữa Italia và tỉnh Thanh Hóa. Ngài Marco Della Seta nhấn mạnh: "Chúng tôi rất coi trọng chuyến đi này vì đây là cơ hội để thúc đẩy dòng chảy kinh tế giữa Italia và Việt Nam. Điều quan trọng của chuyến đi là chúng tôi được tiếp cận với nhiều địa phương, không chỉ giới hạn với thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh".
             
Ngài Michele D’Ercole, Chủ tịch ICHAM chia sẻ: Tại Việt Nam, Italia và tỉnh Thanh Hóa đã chứng kiến sự tăng trưởng ổn định trong thương mại song phương, được đánh dấu bằng sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Một trong những yếu tố then chốt góp phần vào mối quan hệ kinh tế phát triển mạnh mẽ này là cam kết chung về đổi mới và chất lượng. Doanh nghiệp Italia đã mang chuyên môn và công nghệ của mình đến Thanh Hóa, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng thời, lực lượng lao động năng động và vị trí chiến lược của Thanh Hóa đã mang lại cho Italia một cửa ngõ để tham gia vào các thị trường sôi động ở Đông Nam Á.

Hơn thế nữa, sự hợp tác này vượt xa so với mục đích kinh tế đơn thuần. Mối qua hệ giữa người dân hai nước đã được củng cố thông qua các hoạt động trao đổi văn hóa, tạo điều kiện cho sự hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống và di sản của nhau. Lịch sử, nghệ thuật, âm nhạc và ẩm thực phong phú của Italia đã được người dân đón nhận ở Thanh Hóa, trong khi kho tàng văn hóa của tỉnh đã chiếm được cảm tình của người Italia.

Đánh giá và chia sẻ về công tác hỗ trợ của chính quyền tỉnh Thanh Hoá đối với nhà đầu tư nước ngoài, ông So Hasegawa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) nhấn mạnh: "Chúng tôi đánh giá cao sự sát sao, đồng hành, chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam và chính quyền tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua. Những cam kết và hỗ trợ trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và cung cấp các chính sách ưu đãi đã góp phần đáng kể trong việc vận hành ổn định nhà máy và NSRP".

Trong chương trình thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa trong công tác phối hợp tổ chức hội thảo, kiến tạo nền tảng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hai bên tìm hiểu, hợp tác đầu tư cũng như hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch... Trong đó đại diện một số tổ chức của hai nước đã đề nghị, các doanh nghiệp hai bên cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phối hợp với các cơ quan có liên quan để kết nối, biến cơ hội thành hiện thực, hợp tác thành công.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi trân trọng cảm ơn Đại sứ Italia và Chủ tịch ICHAM đã có những chia sẻ quan trọng, quý báu về tỉnh Thanh Hóa và cơ hội hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các doanh nghiệp Italia.

Đồng chí Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, Việt Nam và Italia là hai quốc gia có quan hệ ngoại giao thân thiết, năm 2023 là năm đặc biệt khi hai nước chúng ta kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược. Mặc dù hiện nay, việc thực hiện đầu tư của các nhà đầu tư Italia tại tỉnh Thanh Hóa đang còn khiêm tốn, tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa xác định các nhà đầu tư Châu Âu, trong đó có nhà đầu tư Italia là đối tác đầu tư rất quan trọng và tiềm năng.

"Thông qua Hội thảo này, chúng tôi cũng hi vọng đã mang đến cho các đại biểu cái nhìn toàn cảnh về tình hình kinh tế - xã hội, tiềm năng, cơ hội, môi trường đầu tư kinh doanh, nhu cầu hợp tác đầu tư, thương mại của tỉnh Thanh Hóa với các đối tác Italia. Thanh Hóa chúng tôi là một trong những địa phương lớn cả về diện tích và dân số của Việt Nam, có vị trí địa lý chiến lược, kết nối khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ của đất nước; đồng thời, có khát vọng và quyết tâm trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của đất nước Việt Nam",  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh.

Với những tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển, tỉnh Thanh Hóa rất mong được đón tiếp các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Italia đến nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Nhân dịp này,lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng trân trọng đề nghị Ngài Đại sứ Italia tại Việt Nam, Ngài Chủ tịch Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm, ủng hộ, giới thiệu về tỉnh Thanh Hóa với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Italia.

Tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và tạo điều kiện cao nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Italia đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư và trải nghiệm dịch vụ trên địa bàn tỉnh, sẵn sàng lắng nghe mọi đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các hoạt động hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa và các đối tác Italia luôn đạt kết quả cao nhất, mang lại lợi ích “cùng phát triển” cho cả hai bên.

Bích Phương
Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số trong năm 2024.
Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số trong năm 2024.

Trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục duy trì và hoàn thiện hạ tầng, phát triển các hệ thống thông tin, dữ liệu mở, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành tạo nền tảng phát triển Chính quyền số bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN