Thái Bình tăng trưởng toàn diện, khoảng cách đô thị và nông thôn ở Thái Bình ngày càng thu hẹp

Là vùng đất thuần nông, bốn bề là sông, biển, hiện nay Thái Bình đã có nhiều đổi thay ngoại mục, thế cô lập đã được phá vỡ. Đời sống của người dân vùng nông thôn ở Thái Bình có nhiều tiện ích như cuộc sống nơi đô thị...

Chú thích ảnh
Đường Hai Bà Trưng, thành phố Thái Bình, được trang hoàng để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Kết quả tạo nền tảng vững chắc

Tỉnh ủy Thái Bình đánh giá, trong bối cảnh có những thời cơ, thuận lợi cơ bản, đồng thời có nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhất là những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và bệnh dịch tả lợn châu Phi, song Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh Thái Bình đã đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra, tạo nền tảng, vị thế và điều kiện mới để tỉnh Thái Bình phát triển mạnh mẽ, vững chắc trong những năm tới. 

Trong đó, công tác xây dựng Đảng của tỉnh Thái Bình đã được thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng cao. Kinh tế của tỉnh Thái Bình liên tục tăng trưởng khá, với tổng sản phẩm GRDP bình quân 5 năm (2016-2020) ước tăng 9%/năm, vượt mục tiêu Đại hội XIX đề ra, cao hơn mức trung bình cả nước và cao gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước. Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người của tỉnh có bước tăng mạnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. 

Các ngành sản xuất của tỉnh Thái Bình đều tăng trưởng khá cao và toàn diện, cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm (2016 - 2020) của tỉnh ước đạt 235,5 nghìn tỷ đồng, cao gấp gần 2 lần 5 năm (2011 - 2015). Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh hằng năm luôn vượt dự toán giao, trong đó năm 2020 ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, gấp 1,35 lần so với năm 2015. Đến hết năm 2019, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, vượt trước ba năm so với mục tiêu Đại hội XIX đã đề ra. 

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh Thái Bình phát triển khá toàn diện và đang chuyển sang sản xuất hàng hoá gắn với tập trung, tích tụ đất đai, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Sản xuất công nghiệp, xây dựng của tỉnh tăng trưởng khá; thương mại, dịch vụ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được chú trọng đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn, nhất là nguồn vốn xã hội hóa, trong đó tỉnh tập trung xây dựng hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế vùng và tỉnh, thành phố lận cận, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh. Công tác quy hoạch và xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng Khu kinh tế Thái Bình được đặc biệt chú trọng nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh có nhiều tiến bộ. Quy mô giáo dục và đào tạo được mở rộng, chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học tiếp tục được nâng lên. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tỉnh được tăng cường chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhất là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua. Công tác an sinh xã hội của tỉnh được bảo đảm. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...
  
Thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị

Đồng chí Nguyễn Hồng Chuyên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình chia sẻ, nhiệm kỳ 2015-2020, trong phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Thái Bình đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đó là khoảng cách về đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn và người dân đô thị rất gần. Có thể nói, ở thành thị có gì thì vùng nông thôn có nấy, thậm chí có những nơi điều kiện hưởng thụ của người dân nông thôn còn hơn thành thị (như về ăn, ở, sinh hoạt, dân trí...). Nhờ có đường giao thông thuận lợi, khoảng cách địa lý từ trung tâm tỉnh về các địa phương của Thái Bình cũng rất gần, trung bình chỉ khoảng 30 phút đi bằng ô tô hoặc xe máy là tới nơi.   

Hệ thống đồng ruộng của Thái Bình bằng phẳng, hệ thống thủy lợi của tỉnh Thái Bình từ mương cấp 1 trở lên và trở xuống được nối ra tận ruộng nên tiết kiệm nước và chủ động tưới, tiêu. Trong điều kiện tỉnh Thái Bình không có đồi núi, không có bãi khai thác cát vàng, vật liệu phải đi mua từ các địa phương khác nhưng hệ thống giao thông từ các thôn, làng đến trục xóm, nhánh cấp 1 trục thôn, trục thôn, trục xã, liên xã, trục huyện rất đồng bộ. Còn như vấn đề về nước sạch có lẽ mới chỉ tỉnh Thái Bình làm được. Đến nay, 100% các hộ dân của tỉnh Thái Bình có nhu cầu sử dụng nước sạch đều được đáp ứng. 

Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhờ xác định rõ người dân là chủ thể và huy động được sự đóng góp tổng lực của người dân nên trong điều kiện tỉnh Thái Bình còn nhiều khó khăn nhưng kết thúc năm 2019, có 100% số xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, 7 huyện và thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình chính là nơi hội tụ ý Đảng và lòng dân. 

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành 8 nghị quyết. Mỗi nghị quyết này tập trung vào mỗi góc độ, khía cạnh, lĩnh vực khác nhau và đã tạo nên một bức tranh mới cho Thái Bình không chỉ ở nhiệm kỳ này mà còn cho nhiều nhiệm kỳ sau. Tám nghị quyết này cũng đã được tái hiện trong phần phương hướng của Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Với những thành quả quan trọng tạo nền tảng vững chắc nói trên, Thái Bình đang tự tin, vững bước vào nhiệm kỳ mới thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm với ba đột phá phát triển để đạt mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá. Đến năm 2030, tỉnh theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Sơn Hải (TTXVN)
Trưng bày tư liệu, hiện vật về quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình
Trưng bày tư liệu, hiện vật về quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình

Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 5/10, tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình đã khai mạc trưng bày chuyên đề: “Đảng bộ và Nhân dân Thái Bình - những mốc son lịch sử”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN