Tập trung triển khai đồng bộ và sáng tạo 4 nghị quyết 'trụ cột chiến lược'

Ngày 2/7, HĐND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh Khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là kỳ họp đầu tiên sau khi tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên hợp nhất thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung tặng hoa chúc mừng Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của HĐND tỉnh. 

Tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh công bố Nghị quyết số 1731/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chỉ định nhân sự giữ các chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Trưởng các Ban của HĐND tỉnh.

Bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy được chỉ định giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2021-2026; ông Trần Phú Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ông Đỗ Thái Phong, Tỉnh ủy viên, được chỉ định giữ chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Tại kỳ họp, bà Cao Thị Hòa An nhấn mạnh: Kỳ họp lần thứ nhất HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Kỳ họp là bước khởi đầu của một hành trình mới, “tỉnh mới - khí thế mới - tư duy mới - khát vọng mới”. Để tận dụng tốt lợi thế, khắc phục khó khăn, thời gian tới đề nghị các cấp, ngành nhanh chóng ổn định tổ chức, thông suốt trong điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; tập trung triển khai đồng bộ và sáng tạo 4 nghị quyết (57, 59, 66 và 68) quan trọng của Bộ Chính trị về các trụ cột chiến lược. Các cấp, ngành phải đưa vào giải pháp trọng tâm, khâu đột phá để tổ chức thực hiện, trong đó quan tâm hạ tầng kết nối liên vùng, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ huyết mạch; hạ tầng thông tin để đảm bảo điều hành thông suốt từ tỉnh đến cấp cơ sở.

Các cấp, ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần chủ động, khẩn trương, không chậm trễ bất cứ công việc nào; chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ các vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm. Đó là: Giải ngân vốn đầu tư công, quản lý đất đai, bảo đảm trật tự xây dựng, xử lý đơn thư, ổn định đời sống cán bộ, công chức sau sáp nhập… với tinh thần “việc cũ không để tồn đọng, việc mới phải khẩn trương, hiệu quả”.

Chú thích ảnh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk Cao Thị Hòa An phát biểu. 

Bà Cao Thị Hòa An yêu cầu các cấp, ngành khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện các nghị quyết của HĐND đã ban hành, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và ban hành mới các nghị quyết phù hợp với đặc điểm, điều kiện và yêu cầu quản lý của tỉnh Đắk Lắk mới. Đồng thời, các cấp, ngành tăng cường kiểm tra, hướng dẫn cấp xã giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; quan tâm đến việc sắp xếp, ổn định công tác tổ chức, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đảm bảo hài hòa lợi ích và phù hợp quy định pháp luật, phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Cũng tại kỳ họp, thường trực HĐND tỉnh thông báo số lượng và danh sách đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thành lập các Ban của HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026; công bố Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh phê chuẩn danh sách Phó Trưởng các Ban hoạt động chuyên trách của HĐND tỉnh Đắk Lắk, khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026; ban hành Nghị quyết thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; ban hành các Nghị quyết thành lập cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh…

Tin, ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)
Thông tin chi tiết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Gia Lai
Thông tin chi tiết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Gia Lai

Theo Nghị quyết số 1664/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi sắp xếp, tỉnh Gia Lai có 135 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 110 xã và 25 phường; trong đó có 101 xã, 25 phường hình thành sau sắp xếp quy định tại Điều này và 09 xã không thực hiện sắp xếp là các xã Ia O (huyện Ia Grai), Nhơn Châu, Ia Púch, Ia Mơ, Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Dom, Ia Chia và Krong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN