Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam chia sẻ, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 195 khu dân cư kiểu mẫu, có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Hùng Nam để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Hưng Yên đề nghị các địa phương tiếp tục huy động nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh ưu tiên công trình, dự án có động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; nhu cầu cấp thiết của người dân; thường xuyên quan tâm tới bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp, tăng cường nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất; ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng giá trị của sản phẩm…
Cùng với đó, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tập trung xử lý các điểm nóng về trật tự xã hội nông thôn; tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Minh Tuân cho biết, năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng trưởng 2,45% so với năm 2022. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bước đầu đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, các dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa tiếp tục được triển khai tích cực, hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như lúa chất lượng cao, rau an toàn, trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Qua đó, nâng giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác đạt trên 230 triệu đồng/ha, tăng trên 20 triệu đồng/ha so với năm 2020.
Ngành chăn nuôi phát triển mạnh với tổng đàn lợn hơn 480.000 con; đàn trâu bò trên 36.000 con; đàn gia cầm 9,4 triệu con từng bước chuyển sang chăn nuôi an toàn sinh học và chiến tỷ lệ ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Trong số đó, tổng quy mô chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP là 2,8 triệu con con gia súc, gia cầm được sản xuất an toàn theo chuỗi. Nuôi thủy sản chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang hình thức nuôi theo tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; đồng thời phát triển công nghệ “nuôi cá sông trong ao nước tĩnh”, “nuôi lồng bè trên sông” và “nuôi thủy sản trong ao bán nổi” với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao.
Việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề… được thực hiện tốt, đảm bảo cho sản xuất và yêu cầu kế hoạch đặt ra. Nhiều sản phẩm OCOP Hưng Yên mang đặc trưng, lợi thế riêng có gắn với lịch sử, truyền thống văn hóa Hưng Yên như nhãn lồng Hưng Yên, gà Đông Tảo, vải trứng Hưng Yên, long nhãn Hưng Yên, mật ong hoa nhãn, nghệ Chí Tân...
Ông Đỗ Minh Tuân khẳng định, những kết quả đạt được trong tái cơ cấu nông nghiệp đã trực tiếp góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 113 xã nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 66,9%; 29 xã nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 15,8%. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã thực sự thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Kết quả này là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt là sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của nhân dân trong tỉnh.
Huyện Văn Giang là một trong những huyện đi đầu trong thực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Giang Nguyễn Hoàng Tùng, với thế mạnh phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh với diện tích gần 1.300 ha, huyện đã tập khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác hoa, cây cảnh đủ năng lực để hình thành những chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, giúp sản phẩm hoa, cây cảnh của huyện khẳng định thương hiệu ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các địa phương tạo điều kiện cho nhà vườn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất và thu nhập cho người dân. Năm 2023, giá trị thu trên 1 ha canh tác trên địa bàn huyện ước đạt 442,8 triệu đồng, tăng 19,8 triệu đồng so với năm 2022.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, được người dân tham gia, hưởng ứng tích cực; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tạo thành sức mạnh tổng hợp có sức lan tỏa, rộng khắp thành phong trào thi đua tại các xã, các thôn. Đến nay, toàn huyện có 10/10 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao (đạt 100%); 7/10 xã hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 70%); có 29/79 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 36,7%). Huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí và đang hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao.