Rà soát đê điều, hồ chứa nước đảm bảo ứng phó với mưa bão, lũ

Tỉnh Kiên Giang kiểm tra, rà soát lại hệ thống đê điều, hồ chứa nước trên địa bàn, nhằm đảm bảo an toàn, ứng phó với mưa bão đang vào giai đoạn cao điểm và mùa lũ năm 2021.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra, đánh giá hệ thống đê biển, đê sông, các tuyến bờ bao, công trình thủy lợi, hồ chứa nước trên địa bàn để tu bổ, gia cố, sửa chữa đề phòng ứng phó với mưa bão, lũ lớn xảy ra, bảo đảm bảo vệ an toàn cho sản xuất, đời sống dân sinh. 

Chú thích ảnh
Cống thủy lợi ngăn mặn trên đê biển An Biên - An Minh. (Ảnh tư liệu)

Trước mắt, đơn vị tập trung vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu bồi trúc, gia cố những đoạn đê bao xung yếu, chưa đảm bảo an toàn, sửa chữa các công trình thủy lợi, thủy nông nội đồng để bảo vệ sản xuất lúa vụ Hè Thu và Thu Đông, hoa màu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản…; quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống cống thoát lũ ra biển Tây.

Chi cục Thủy lợi tỉnh sẽ phối hợp với đơn vị liên quan và các địa phương có đê biển kiểm tra, đánh giá khả năng đảm bảo an toàn của toàn tuyến đê biển Tây dài khoảng 200 km từ Mũi Nai, thành phố Hà Tiên đến vàm Tiểu Dừa, An Minh. Đặc biệt là những đoạn đê đã và đang bị sạt lở, kịp thời phát hiện những đoạn đê nguy cơ sạt lở cao, mất an toàn để xử lý, khắc phục.

Các đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công những bờ kè, gây bồi, tạo bãi trồng rừng phòng hộ chống sạt lở bờ biển; triển khai phương án ứng phó, bảo vệ trọng điểm đoạn đê xung yếu như: chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng hộ đê, cắm biển cảnh báo đề phòng sạt lở, di dời hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn…

Tình trạng sạt lở bờ biển Tây trên địa bàn tỉnh đã và đang xảy ra nghiêm trọng, lấn sâu vào đất rừng, đường bờ, đê biển cần được xử lý khẩn cấp, với hàng chục điểm, tổng chiều dài bị sạt lở khoảng 90 km.

Mặt khác, đơn vị chức năng cùng với địa phương kiểm tra, đánh giá lại các hồ chứa nước trên địa bàn, phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình, kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục, đặc biệt chú trọng hồ chứa nước Dương Đông, thành phố Phú Quốc, các hồ chứa nước ở xã đảo, hồ chứa thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng hữu quan phối hợp xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp đối với tình huống xuất hiện lũ lớn, lũ vượt tần suất, đỉnh điểm; sẵn sàng phương án sơ tán, đảm bảo an toàn dân cư, bảo vệ cơ sở hạ tầng vùng lũ, khu vực bãi sông. Ngành chức năng tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều, giải tỏa, thanh thải các bãi tập kết vật liệu, công trình, nhà xưởng trái phép ở bãi sông, lòng dẫn để đảm bảo thoát lũ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh, song song với triển khai phương án với các giải pháp đồng bộ phòng chống mưa bão, lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngành chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng thủy văn để kịp thời thông báo thông tin về mưa, lũ để vừa phục vụ trong chỉ huy phòng chống, ứng phó của tỉnh, huyện và thành phố, vừa giúp dân chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai.

Các địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông thủy, khai thông dòng chảy, kiểm soát an toàn ở các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc sự cố thiên tai do mưa, lũ để xử lý, khắc phục nhanh. Kiểm tra, sửa chữa cơ sở trường, lớp học đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh trong khu vực vùng lũ; tổ chức các điểm giữ trẻ khi có tình huống lũ lớn xảy ra. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nguy cơ xảy ra mưa, lũ lớn đến người dân để chủ động phòng tránh, không chủ quan trước tình hình diễn biến bất thường của thời tiết...

Tin, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ, tập trung xử lý các sự cố đê điều
Theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ, tập trung xử lý các sự cố đê điều

"Đến thời điểm này, việc xả lũ của Nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn (Trung Quốc) không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam". Đó là khẳng định của Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai Nguyễn Đức Quang tại cuộc họp thông tin về tình hình mưa lũ ở Trung Quốc, mưa lũ tại khu vực Bắc Bộ Việt Nam và tình hình lũ trên hệ thống sông Hồng, sông Thao diễn ra chiều 21/8, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN