Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay tỉnh Quảng Ninh đang có trên 434.000 ha rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, chiếm 70% diện tích đất tự nhiên; trong đó, có 175.000 ha rừng trồng và rừng sản xuất. Hằng năm, ngoài nâng cao chất lượng rừng, tích cực trồng rừng, Quảng Ninh còn đẩy mạnh trồng cây hoàn nguyên, “xanh hóa” các bãi thải mỏ theo đúng chủ trương, định hướng, mục tiêu về quy hoạch, phát triển, trồng rừng cây gỗ lớn.
Tại Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ được tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại huyện Đầm Hà, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, từ hoạt động Tết trồng cây hàng năm và ý thức giữ rừng, phát triển rừng của nhân dân trong tỉnh đã đưa Quảng Ninh trở thành địa phương nằm trong nhóm có diện tích rừng lớn và đạt tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước. Từ năm 2020 - 2023,diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt trên 52.000 ha; trong đó, diện tích lim, dổi, lát đã trồng trong 3 năm là trên 3.500 ha, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 55% và nâng cao chất lượng rừng.
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai lựa chọn địa điểm phù hợp để trồng cây hoàn nguyên, phục hồi môi trường, phát triển thành rừng cây gỗ lớn đảm bảo mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng bền vững theo đúng chủ trương, định hướng, mục tiêu về quy hoạch, phát triển, trồng rừng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh tại các nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành.
Theo kế hoạch, đợt Tết trồng cây trong quý I/2024, Quảng Ninh trồng tối thiểu 1 triệu cây (rừng trồng tập trung và trồng cây phân tán tại khu vực đô thị và nông thôn) vượt 1,25 lần chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 45 ngày 31/12/2020 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây”.
Tỉnh Quảng Ninh tập trung trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao, trọng tâm trồng rừng bằng cây lim, lát, dổi; trồng cây hoàn nguyên, phục hồi môi trường, phát triển thành rừng cây gỗ lớn đảm bảo mục tiêu bảo vệ, phát triển bền vững để hoàn thành chỉ tiêu được giao cả năm 2024 gồm trồng rừng tập trung dự kiến 13.250 ha; trong đó, trồng 1.000 ha lim, lát, dổi theo Nghị quyết số 10 ngày 26/9/2022 của Tỉnh ủy; trồng 950.000 cây phân tán tại khu vực đô thị và nông thôn theo Kế hoạch thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 20 ngày 27/11/2023 của Tỉnh ủy, do đó yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố cần tranh thủ thời tiết thuận lợi triển khai ngay việc xử lý thực bì, chuẩn bị hiện trường trồng rừng, vật tư, cây giống và các điều kiện cần thiết để đảm bảo chỉ tiêu được giao.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Ninh cho biết, địa phương lựa chọn trồng ba loại cây chính lim, dổi, lát bởi các giống cây bản địa này rất phù hợp với điều kiện tỉnh Quảng Ninh, tập trung ở các địa phương như Ba Chẽ, Đầm Hà, cũng như các lưu vực, khu vực phòng hộ, rừng đặc dụng của các địa bàn và các bãi thải mỏ đã ổn định. Với mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với kinh tế dưới tán rừng để lấy ngắn nuôi dài trong phát triển kinh tế. Để Quảng Ninh trở thành tỉnh tăng trưởng xanh, bền vững; bảo vệ bền vững các nguồn sinh thủy đối với các rừng đầu nguồn.
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đã đề ra là trồng rừng tập trung dự kiến 13.250 ha (trồng 1.000ha lim, giổi, lát) và trồng 950.000 cây phân tán tại khu vực đô thị, nông thôn; giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% gắn với nâng cao chất lượng rừng.
Riêng huyện Đầm Hà đến nay đã trồng trên 2.000 ha rừng tập trung, tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,5%, năm 2024 huyện phấn đấu trồng 770 ha; ttrong đó lim, lát, dổi trên 114 ha.