Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN ngày 1/11, phạm vi mỏ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư ICR Quảng Ngãi có gần 10 ha cây gỗ keo đã được trồng trái phép, diện tích keo này khoảng 2 - 3 năm tuổi. Một số khu vực cây keo đã đến kỳ thu hoạch. Khu vực doanh nghiệp và cơ quan chức năng lựa chọn để nổ mìn khai thác đá xuất hiện nhiều người dân địa phương. Để đảm bảo an toàn, Công ty đã cho dừng toàn bộ hoạt động tại mỏ đá đồng thời di dời máy móc, phương tiện khai thác tập kết tại khu vực nhà điều hành.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Thư, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư ICR Quảng Ngãi cho biết, mỏ đá xã Bình Thanh được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép cho Công ty phát triển hạ tầng Quảng Ngãi khai thác từ năm 2000. Đến năm 2014, vì một số lý do, Công ty phát triển hạ tầng Quảng Ngãi dừng hoạt động khai thác mỏ. Năm 2018, Công ty tiếp tục được UBND tỉnh Quảng Ngãi cho thuê đất và khai thác mỏ trở lại. Tuy nhiên, trên 50% diện tích đất của mỏ bị người dân lấn chiếm để trồng keo và hoạt động điều hành khai thác mỏ của Công ty phát triển hạ tầng Quảng Ngãi không hiệu quả, do vậy, đơn vị đã làm thủ tục trình cơ quan chức năng của tỉnh cho phép chuyển nhượng mỏ.
Ngày 4/1/2022, Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư ICR Quảng Ngãi được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thuê đất trả tiền hàng năm và được khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ đá Bình Thanh (tiếp nhận mỏ của Công ty Phát triển hạ tầng Quảng Ngãi). Diện tích khu vực khai thác là 19.04 ha, trữ lượng khai thác 796.591 m3, mức sâu khai thác thấp nhất đến Cos+0,7m; công suất khai thác 50.000 m3 đá nguyên khối/năm. Thời gian được cấp phép khai thác mỏ đến tháng 1/2024. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi giao Công ty thực hiện các thủ tục pháp lý trước khi khai thác mỏ, đồng thời đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường khu vực khai thác theo quy định sau khi giấy phép khai thác hết hiệu lực (năm 2024).
Ông Nguyễn Thành Thư cho biết, trước khi khai thác mỏ đá, Công ty đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương đo đạc, cắm lại các mốc, thực hiện đầy đủ cam kết về môi trường, an ninh tại mỏ. Tuy nhiên, người dân liên tục cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi khi Công ty thông báo nổ mìn tại mỏ đá lại, nhiều người địa phương xuất hiện khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Ngày 30/8/2022, Ủy ban nhân dân xã Bình Thanh đã tổ chức họp để Công ty đối thoại với các hộ dân. Trong cuộc họp, người dân đề nghị Công ty hoàn thổ lại môi trường theo hình thức cuốn chiếu, khai thác đến đâu hoàn thổ đến đó. Các hộ dân còn kiến nghị doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí đối với diện tích keo đã trồng trên đất mỏ đá của Công ty.
Ngày 20/10/2022, Ủy ban nhân dân xã Bình Thanh có thông báo số 73 do ông Nguyễn Hồng Phước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký đề nghị Công ty phải hoàn trả lại mặt bằng mỏ theo hình thức cuốn chiếu, khai thác đến đâu lấp hiện trường đến đó và trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường tại khu vực hố đá mà mỏ đã khai thác. Bên cạnh đó, Công ty có trách nhiệm kiểm kê, thỏa thuận mức hỗ trợ chi phí trồng hoa màu, cây keo của người dân trên phần đất mỏ đã cấp cho Công ty. Đối với cây keo đã đến kỳ thu hoạch, UBND xã đang vận động người dân thu hoạch hoàn trả lại mặt bằng cho Công ty.
Theo ông Nguyễn Thành Thư, việc hoàn thổ mỏ đá theo hình thức cuốn chiếu và hỗ trợ người dân trồng keo trên đất đã được thu hồi, đền bù cấp phép cho doanh nghiệp khai thác mỏ mà người dân và chính quyền địa phương đưa ra là không đúng.
“Diện tích đất trong phạm vi mỏ đã được thu hồi, đền bù xong cho người dân từ năm 2000, việc hoàn thổ đối với mỏ đá, phục hồi môi trường sẽ được doanh nghiệp thực hiện khi hoàn thành khai thác, đóng cửa mỏ vào năm 2024 chứ không thể thực hiện vừa khai thác vừa lấp mỏ, như vậy là sai quy định”, ông Nguyễn Thành Thư nhấn mạnh.
Ông Bùi Văn Đông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Thanh cho biết, chính quyền địa phương xác định diện tích đất người dân đang trồng keo trong phạm vi mỏ Công ty khai thác đã được thu hồi đất, đền bù cho người dân xong từ năm 2000. Mục đích của bà con là kiếm thêm một khoản thu nhập hạn chế lãng phí đất.
Trao đổi với phóng viên về việc có hay không cán bộ Ủy ban nhân dân xã lấn chiếm đất tại mỏ đá Bình Thanh để trồng keo, ông Bùi Văn Đông khẳng định, có tình trạng cán bộ, đảng viên của xã đang trồng keo trên đất của mỏ đá. Tuy nhiên, họ cam kết khi mỏ đá đề nghị họ sẽ tự trả lại đất mỏ.
Tình trạng người dân cản trở khai thác đá trong phạm vi mỏ đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép cho doanh nghiệp khai thác đá vật liệu xây dựng đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại địa phương nếu không được sớm giải quyết dứt điểm.