Quảng Nam khôi phục các cánh rừng ngập mặn

Trước tình trạng nhiều diện tích rừng ngập mặn ở các xã ven biển gồm: Tam Hải, Tam Quang, Tam Giang, Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Nghĩa (huyện Núi Thành, Quảng Nam) bị chết hàng loạt, khiến môi trường sinh sống của nhiều loài thủy sinh như cá, tôm, cua, ghẹ, ốc, sò huyết, lạch bị thu hẹp, cộng đồng cư dân ở các địa phương nói trên đã nỗ lực trồng phục hồi những cánh rừng đã chết nhằm giữ gìn môi trường, khôi phục và bảo vệ nguồn sinh kế bền vững của mình.

Chú thích ảnh
Cánh rừng ngập mặn rộng hơn 20 ha của người dân thôn Bình Trung và Xuân Mỹ, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. 

Ông Nguyễn Ngọc Chính, thôn Đông Xuân, xã Tam Giang cho biết, để khôi phục lại diện tích rừng ngập mặn rộng hơn 5 ha bị chết từ nhiều năm trước, người dân trong thôn đã ươm giống cây con các loài cây như đước, cây bần, dừa nước để trồng lại. Tuy diện tích rừng ngập mặn được bà con trồng lại còn khiêm tốn, nhưng cây con phát triển tốt, đã tạo được niềm tin để người dân trong thôn tích cực khôi phục lại rừng cây đã bị chết chưa rõ nguyên nhân.

Theo ông Chính, rừng ngập mặn ven sông, ven biển không chỉ có tác dụng ngăn chặn gió bão mà còn là nơi sinh sống của các loài thủy sinh. Khi rừng ngập mặn bị chết, môi trường sống của các loài thủy sinh bị thu hẹp, sinh kế của người dân gặp khó khăn. Nhiều loại thủy sản có giá trị như lạch, sò huyết, ốc hương, tôm cua bị mất môi trường sống, nguồn lợi của cộng đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy, việc khôi phục lại diện tích rừng bị chết là nhu cầu bức thiết. Sau khi một số diện tích rừng ngập mặn được khôi phục, điều đáng mừng là các loài thủy sinh đã quay trở lại trú ngụ và sinh sôi. 

Sau các trận bão năm 2020, hàng chục ha rừng ngập mặn ở lưu vực sông Trầu, sông Bến Đình, sông Trường Giang, đoạn qua địa phận các xã Tam Nghĩa, Tam Quang, Tam Hòa, Tam Tiến bị chết hàng loạt. Qua nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, chính quyền và người dân địa phương đã trồng khôi phục gần 30 ha rừng ngập mặn với loại cây trồng chính là dừa nước, cây bần và cây đước. Toàn bộ diện tích rừng ngập mặn được cộng đồng trồng khôi phục nói trên đang sinh trưởng và phát triển tốt, nhiều loài thủy sinh có giá trị kinh tế cao đã quay lại sinh sống.

Riêng tại xã đảo Tam Hải, sau nhiều năm huy động cộng đồng trồng, chăm sóc và bảo vệ nghiêm ngặt, diện tích rừng ngập mặn và rừng dương chắn gió của địa phương đã lên đến hơn 170 ha. Những khu rừng này đã thật sự góp phần khôi phục hệ sinh thái biển, ngăn chặn nạn sạt lở đất, tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Trưởng Phòng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Núi Thành Nguyễn Ngọc Vinh cho biết, rừng ngập mặn ở các địa phương ven biển không những giữ vai trò quan trọng trong phòng tránh thiên tai, bảo vệ nhà cửa, hoa màu trong mùa mưa bão mà còn là nơi trú ngụ và sinh sôi của các loài thủy sinh có giá trị, là nguồn sinh kế tự nhiên của cộng đồng. Do vậy, việc trồng phục hồi lại diện tích rừng bị chết với các loại cây bản địa là nhiệm vụ thường xuyên, được cộng đồng tích cực hưởng ứng.

Tin, ảnh: Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Bảo vệ rừng ngập mặn gắn với sinh kế của người dân
Bảo vệ rừng ngập mặn gắn với sinh kế của người dân

Tỉnh Nam Định có khoảng 3.200 ha rừng, trong đó, rừng ngập mặn chiếm 90% diện tích, cùng với trồng rừng, thời gian qua, ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuần tra, bảo vệ rừng, góp phần giảm thiểu tình trạng phá rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN