Quảng bá, phát huy giá trị bảo vật quốc gia trên đất Kinh Bắc

Tỉnh Bắc Ninh hiện có 19 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Tỉnh đang tích cực quảng bá, lan tỏa giá trị các bảo vật, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành điểm du lịch thu hút hàng vạn du khách trong nước, quốc tế về tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu.

Về vùng đất cổ với nhiều bảo vật

Về với Bắc Ninh, du khách không chỉ được đắm mình trong không gian các di tích, lễ hội và văn hóa Quan họ, mà còn được thỏa lòng chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia - những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử.

Nguyễn Thị Thanh, sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết: Để hiểu thêm về văn hóa dân tộc, qua tìm hiểu trên mạng internet, Thanh đã quyết định cùng nhóm bạn đến Bắc Ninh trải nghiệm các di tích. Thanh rất ấn tượng với vẻ đẹp của di tích, hệ thống bảo vật được bảo vệ chu đáo. Thanh đặc biệt ấn tượng khi đặt chân đến chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành. Chùa có quy mô to lớn, cảnh quan phối hợp hài hòa, không gian thanh tịnh, khiến du khách được thỏa lòng chiêm ngưỡng các mảng trang trí chạm khắc vô cùng tinh xảo. Trong chùa còn lưu giữ 4 nhóm bảo vật quốc gia là tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay, ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm liên hoa, hương án chứa đựng nhiều giá trị.

Chú thích ảnh
Mộc bản chùa Dâu đang được bảo quản trong tủ kính để người dân chiêm bái. 

Ngay khi đến ngôi chùa, Thanh đã được hướng dẫn quét mã QR, đọc được ngay những thông tin căn bản về di tích. Chiêm ngưỡng thực tế các bảo vật, chị càng ngỡ ngàng hơn bởi vẻ đẹp độc đáo của từng bảo vật. Toàn bộ bảo vật đều được làm bằng gỗ, đặt ở vị trí trang trọng, hệ thống đèn điện kết hợp âm thanh cầu kinh khiến lòng người thanh tịnh, như được trở về với “đất Phật”.

Còn chị Nguyễn Thị Đào (Hưng Yên) có trải nghiệm khá thú vị khi tham quan chùa Phật Tích. Chị cho biết: Chùa vốn nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, cảnh đẹp gắn với nhiều truyền thuyết thú vị. Bởi vậy, chị không chỉ bái Phật, mà còn chiêm nghiệm những giá trị cổ xưa, tìm hiểu kho tàng truyền thuyết, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ dân gian đặc sắc; được leo núi, ngắm rừng thông, hòa mình với thiên nhiên.

Chị Đào khá bất ngờ khi được chứng kiến hai nhóm bảo vật quốc gia là Tượng Phật A Di Đà và bộ tượng 10 linh thú đá. Các bảo vật được đặt ở nơi du khách dễ quan sát nhất là phía trước tòa Tam Bảo và vị trí trung tâm trong tòa Tam Bảo.

“Được tận mắt chiêm ngưỡng bảo vật tôi rất vui, tuy nhiên với những du khách từ xa đến như tôi vẫn mong nhà chùa hoặc Ban Quản lý di tích có biển giới thiệu bảo vật quốc gia và những giá trị tiêu biểu, có như vậy, du khách mới có thể cảm nhận đầy đủ hơn về nơi mình đã đến thăm. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích”, chị Đào bày tỏ.

Chú thích ảnh
Mộc bản chùa Dâu là ván khắc cổ, có giá trị to lớn. 

Anh Nguyễn Hữu Chiến, cán bộ Bảo tàng và Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Thường xuyên hướng dẫn du khách tại các điểm du lịch, trong mỗi bài thuyết minh, anh chủ động lồng ghép giới thiệu bảo vật quốc gia vào phần giới thiệu chung của di tích. Có rất nhiều du khách cảm thấy thích thú, cuốn hút, thậm chí yêu cầu cán bộ di tích được dừng chân lâu hơn để tìm hiểu kỹ hơn về các bảo vật. Bởi vậy, với cán bộ làm di tích, anh cũng thường xuyên tìm tòi, học hỏi, trau dồi chuyên môn để phục vụ du khách tốt hơn.

Bảo quản, phát huy giá trị cho từng nhóm bảo vật

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp, hiện tỉnh có 19 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, trong đó 2 hiện vật, nhóm hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Bắc Ninh, 2 hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng ngoài công lập và 15 hiện vật, nhóm hiện vật lưu giữ tại các di tích khác.

Qua rà soát cho thấy, các hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh và Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Bia “Xá lợi Tháp Minh”, “Thạp đồng văn hóa Đông Sơn”, Ấn vàng Hoàn đế chi bảo đang được bảo quản tốt, đặt trong tủ kính cường lực, có biển chú thích rõ ràng bằng tiếng Việt và tiếng Anh; trưng bày thường xuyên phục vụ khách tham quan nghiên cứu. Mộc bản sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh bảo quản trong Bảo tàng tỉnh được đặt trên giá sắt.

Chú thích ảnh
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo đang được bảo quản tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng. 

Tại các di tích có bảo vật, Ban quản lý di tích địa phương đã lắp camera an ninh giám sát, bảo vệ, cử người trực trông coi. Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch tỉnh thường xuyên hướng dẫn các Ban quản lý di tích địa phương nâng cao công tác phòng, chống cháy nổ tại các di tích, bảo đảm an toàn vào mùa mưa bão; thường xuyên giữ mối liên hệ để kịp thời hướng dẫn về chuyên môn trong quản lý di tích, di vật.

Bắc Ninh ưu tiên đầu tư kinh phí tu bổ các di tích có lưu trữ bảo vật quốc gia. Trong quá trình tu bổ, tôn tạo đều có phương án bảo vệ hiện vật và bảo vật. Các di tích có bảo vật quốc gia được chống mối thường xuyên, được kiểm tra bảo quản định kỳ. Tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị của di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản ấn phẩm văn hóa, ấn phẩm du lịch…

Bắc Ninh xây dựng các tour du lịch đưa khách tham quan về các di tích có bảo vật quốc gia; thí điểm thiết kế và sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch từ giá trị di sản văn hóa, các bảo vật quốc gia, danh lam, thắng cảnh, các công trình kiến trúc, công trình lịch sử văn hóa. Đồng thời đưa nội dung phát huy giá trị các bảo vật quốc gia gắn với đề án phát triển du lịch ở tỉnh trong thời gian tới.

Từ năm 2023 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo đề xuất đưa vào giảng dạy môn Giáo dục địa phương thông qua kết nối trực tuyến với bảo tàng, điểm di tích có bảo vật quốc gia như: Văn Miếu Bắc Ninh, Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh… Việc đổi mới phương pháp, cách thức giảng dạy phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông không chỉ hấp dẫn học sinh mà còn góp phần bồi dưỡng niềm tự hào truyền thống, trách nhiệm tuổi trẻ Bắc Ninh với quê hương, đất nước.

Tỉnh thường xuyên rà soát những bảo vật có giá trị, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét thẩm định hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Bắc Ninh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng, triển khai thực hiện Đề án bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia...

Thanh Thương
Huế: Hoàn thiện phương án bảo vệ các bảo vật quốc gia trong tháng 6/2025
Huế: Hoàn thiện phương án bảo vệ các bảo vật quốc gia trong tháng 6/2025

Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Phương đã ký công văn số 6730/UBND-CN gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính về vụ việc bảo vật quốc gia "Ngai vua triều Nguyễn" bị xâm hại ngày 24/5/2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN