Hội nghị nhằm phân tích kết quả các chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính sau khi Phú Yên liên tục ở nhóm địa phương xếp trung bình thấp và thấp nhất cả nước.
Năm 2023, Phú Yên quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh với sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu các chỉ số PAR Index, PCI, PAPI, SIPAS thuộc nhóm 40 tỉnh, thành phố; đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố xếp thứ hạng cao trong cả nước.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành Chỉ thị về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện các chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính, tạo sự đồng thuận và tham gia của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước” với yêu cầu thực hiện cải cách hành chính toàn diện ở tất cả cơ quan khối Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giám sát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, không trung thực và gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Cán bộ lãnh đạo thuộc Ban Thường vụ quản lý nếu không có giải pháp khắc phục yếu kém và chuyển biến trong cải cách hành chính phải xem xét trách nhiệm cá nhân, chuyển đổi vị trí công tác khác.
Các sở, ngành, địa phương xếp hạng cải cách hành chính ở mức độ yếu và trung bình phải xây dựng kế hoạch khắc phục; nâng hạng các chỉ số PAR Index trong năm 2023 tối thiểu lên loại khá.
Phú Yên thực hiện nhóm giải pháp đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Trong tháng 5/2023, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trước mắt để khắc phục hạn chế, đáp ứng yêu cầu khai thác sử dụng kho lưu trữ điện tử; hệ thống số hóa kết quả thủ tục hành chính; hệ thống quản lý văn bản điều hành…
Theo Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, chỉ số PAR Index từ năm 2018 - 2022 luôn nằm trong nhóm 5 địa phương thấp nhất cả nước và có 2 năm đứng cuối bảng xếp hạng (2018 và 2022). Qua phân tích chỉ số PAR Index nhận thấy hạn chế tập trung ở các lĩnh vực: xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và cải cách hành chính công. Yếu kém chủ yếu ở các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, các địa phương gồm: thành phố Tuy Hòa, huyện Sơn Hòa, Sông Hinh và Tuy An.
Nguyên nhân của tình trạng chỉ số PAR Index tại Phú Yên không được cải thiện được chỉ rõ với 4 nhóm vấn đề: Năng lực chuyên môn, thái độ, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Qua kết quả khảo sát chỉ số PAPI và PCI, tình trạng nhũng nhiễu, người dân, doanh nghiệp phải chi trả “chi phí không chính thức”, “tiền lót tay” còn khá phổ biến.
Việc giải quyết thủ tục hành chính là yếu kém, thể hiện ở tất cả các chỉ số: tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn còn quá cao so với yêu cầu là dưới 5% (khối Sở, ban, ngành là 16,14%; cấp huyện 10,76%; cấp xã 1,6%); xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính không kịp thời; mức độ hài lòng của người đi làm thủ tục hành chính chưa cao, phải đi lại nhiều lần.
Hạ tầng công nghệ thông tin, các phần mềm dùng chung của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng phục vụ công tác cải cách hành chính như: kho lưu trữ điện tử; hệ thống số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Cổng dịch vụ công của tỉnh đến nay chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Phú Yên còn nhiều hạn chế trong cải cách tài chính công như: thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước thấp (năm 2022 chỉ đạt 64%); việc đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm.