Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và là dịp để thế hệ trẻ thành phố Hải Dương tìm hiểu thêm về truyền thống cách mạng hào hùng của các thế hệ đi trước, nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tiền thân của Đảng bộ thành phố Hải Dương (26/8/1938 - 26/8/2023).
Truyền thống cách mạng hào hùng
Tháng 7/1937, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Nguyễn Văn Xứng (Lê Thanh Nghị) về xây dựng phong trào cách mạng ở Hải Dương. Sau một thời gian tìm hiểu, nắm tình hình và tuyên truyền giác ngộ quần chúng, cuối năm 1937, nhiều nơi trong và ngoài thành phố Hải Dương đã hình thành những tổ chức của Đảng như tổ đọc sách báo tiến bộ, các đội đá bóng, trong các lớp học tư thục… Một số đoàn thể như: Đoàn Thanh niên Dân chủ, Hội Phụ nữ Giải phóng, Hội Ái hữu... được thành lập ở các công sở, nhà máy, đường phố để giúp nhau đấu tranh đòi cải thiện đời sống.
Tối 26/8/1938, tại số nhà 17 phố Đông Môn (nay là phố Phạm Hồng Thái, thành phố Hải Dương) đã tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của thành phố Hải Dương. Buổi lễ được tổ chức trang nghiêm trước sự chứng kiến của đồng chí Hoàng Văn Thụ (ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ). Chi bộ Đảng gồm 3 đồng chí: Nguyễn Thượng Mẫn, Nguyễn Văn Sớ và Bùi Văn Giáp, do đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn làm Bí thư.
Ngay sau khi thành lập, được sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và sự giúp đỡ thường xuyên của đồng chí Lê Thanh Nghị, Chi bộ đã tổ chức cho thanh niên đọc sách chính trị phổ thông, về chủ nghĩa xã hội, về Liên Xô; phân công những thanh niên hăng hái, tích cực ở cơ sở, nhà máy, công sở, đường phố tổ chức vận động nhân dân đấu tranh. Chi bộ lãnh đạo công nhân các nhà máy, công sở đấu tranh đòi tự do lập nghiệp đoàn, hội ái hữu; đòi tăng lương, giảm giờ làm, phản đối cúp phạt, đánh đập, chống đuổi thợ... Nông dân ở các xã ngoại thành đấu tranh đòi giảm sưu, thuế, đòi giảm tô, cải cách hương thôn, chống phụ thu, lạm bổ. Tiểu chủ và những người buôn bán nhỏ đấu tranh đòi giảm thuế môn bài, thuế chợ; công chức đấu tranh đòi tăng lương... Đến năm 1939, địch khủng bố phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn.
Ngày 10/6/1940, Ban Tỉnh ủy lâm thời Hải Dương được thành lập, Tỉnh ủy chủ trương: xây dựng, phát triển Đảng, củng cố, mở rộng Mặt trận Thống nhất Phản đế Đông Dương, công tác xây dựng Đảng ở thành phố Hải Dương được phục hồi và phát triển. Cuối tháng 6/1940, Chi bộ Đảng được thành lập tại Văn phòng Nhà máy Nước. Chi bộ có 3 đảng viên do đồng chí Nguyễn Đức Thắng làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan (Bí thư Ban Tỉnh ủy lâm thời) và đồng chí Long là đảng viên. Ngay sau khi thành lập, Chi bộ chủ trương củng cố và phát triển cơ sở cách mạng trong các nhà máy, các cơ quan, công sở của địch; tổ chức quần chúng đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Tháng 3/1946, được sự đồng ý của Tỉnh ủy, Đảng bộ thành phố Hải Dương được thành lập. Đồng chí Đỗ Văn Thanh được chỉ định làm Bí thư, đồng chí Lê Đình Vũ làm Phó Bí thư.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân Hải Dương đã tích cực đấu tranh, đánh thắng giặc xâm lược, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.
Trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, thành phố Hải Dương đã có hàng chục nghìn thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ, trong đó có rất nhiều người con đã anh dũng hy sinh, 2.209 người trở thành thương - bệnh binh, hàng chục nghìn gia đình có chồng, con tham gia kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Dương đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý với 299 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 8 đồng chí được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 10 đơn vị trực thuộc thành phố được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; 1 đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Phát triển theo hướng nhanh, bền vững
Từ một thị xã nghèo bị tàn phá bởi chiến tranh, thị xã Hải Dương - đô thị loại IV đã từng bước được xây dựng, nâng cấp trở thành đô thị loại III vào năm 1997, đô thị loại II - năm 2009. Năm 2019, thành phố Hải Dương được công nhận là đô thị loại I theo Quyết định 580/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Sau 85 năm thành lập, từ Chi bộ đầu tiên chỉ có 3 đảng viên, đến nay Đảng bộ thành phố có gần 19.000 đảng viên sinh hoạt ở 70 tổ chức cơ sở Đảng. Cán bộ, đảng viên Đảng bộ thành phố Hải Dương luôn đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Hải Dương trên tất cả các mặt trận kinh tế - xã hội hiện nay; bảo đảm an ninh - xã hội, luôn xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Hải Dương. Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII tỉnh Hải Dương, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định chọn thành phố Hải Dương là trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh đến năm 2030, cùng với 3 đô thị động lực là thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn và huyện Bình Giang.
Ông Lê Đình Long, Bí thư Thành ủy Hải Dương cho biết: Thời gian tới, thành phố tập trung phát triển kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh và thân thiện với môi trường; nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch theo hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, thân thiện, an toàn, tạo những điểm nhấn về cảnh quan đô thị theo Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thành phố tăng cường công tác quản lý chất lượng, tiến độ dự án trên địa bàn, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm; tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng; hoàn thành thực hiện Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thành phố đến năm 2030, lập và quản lý quy hoạch sử dụng đất hằng năm theo quy định. Thành phố Hải Dương từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ xã, phường và thành phố; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công; đảm bảo quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, thành phố Hải Dương tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, đảng bộ cơ sở và đội ngũ cán bộ các cấp trong thành phố. Thành phố làm tốt công tác quản lý, giáo dục đảng viên, phát triển đảng viên, phân công nhiệm vụ cho đảng viên gắn với trách nhiệm nêu gương; công tác tổ chức cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác dân vận của hệ thống chính trị. Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác xây dựng chính quyền; xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét hơn về chất trong hoạt động; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng".
Ông Hoàng Hữu Hưng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Dương cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố đã đạt và vượt 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, 7 chỉ tiêu vượt gồm: 2 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; trên 93% số làng, khu dân cư văn hóa và trên 90% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; chất thải rắn được thu gom, xử lý bằng công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn đạt 96%; trên 90% nước thải công nghiệp được xử lý; trên 9% số học sinh học nghề sau cấp Trung học Phổ thông, mỗi cấp học có 3 trường được công nhận điển hình tiên tiến; dịch vụ công mức độ 4 đến tất cả các phường, xã; trên 85% số tổ chức cơ sở của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội đạt xuất sắc, vững mạnh.