Phát huy giá trị di tích Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nằm bên con rạch Ruộng với dòng nước ngọt bốn mùa, Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm tự hào của người dân xã Tân Thanh (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Đây là địa phương duy nhất trong tỉnh có Phủ thờ Bác.

Chú thích ảnh
Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm tự hào của người dân xã Tân Thanh (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: baoapbac.vn

Phủ thờ được xây dựng hình lục giác, mái cong, lợp ngói mang đậm nét kiến trúc phương Đông, bên trong có bàn thờ Bác với bức tượng đồng cùng những hình ảnh tư liệu trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người. Khuôn viên bên ngoài được bao bọc bởi các loại hoa, cây kiểng. Phủ thờ mở cửa thường xuyên để đón khách tham quan trong và ngoài địa phương.

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Tân Thanh, sau ngày 30/4/1975, để tưởng nhớ công ơn của Bác, cán bộ cách mạng lão thành của xã Thanh Hưng (sau này tách ra thành xã Tân Hưng và Tân Thanh vào năm 1979) đã đề xuất lấy nền bót của chế độ cũ ngay dưới đầu cầu rạch Ruộng thuộc địa bàn xã Tân Thanh để xây dựng đền thờ tưởng nhớ Bác. Việc xây dựng Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được sự đồng tình ủng hộ cao của người dân trong xã và một số đồng hương ở TP Hồ Chí Minh. Nhờ đó, công trình được khởi công vào tháng 8/1975 và năm 1976 hoàn thành.

Đến năm 1983, Phủ thờ được tổ chức trùng tu, nâng cấp bằng nguồn kinh phí đầu tư của tỉnh Tiền Giang với quy mô khang trang như hiện nay. Ngày 2/9/2006, Bảo tàng Quân khu 9 đã hỗ trợ Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè để trưng bày các hình ảnh về cuộc đời cùng sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác.

Vào dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác 19/5, Quốc khánh 2/9... hằng năm, đại diện Tỉnh ủy, Huyện ủy cùng đông đảo cán bộ xã, nhân dân 2 xã Tân Thanh, Tân Hưng đều đến Phủ thờ để dâng hương tưởng niệm Bác. Ngoài ra, Phủ thờ còn đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch, cán bộ trong cả nước đến viếng, về nguồn khi đến tham quan khu Đền thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Hồ Chủ tịch) ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Ông Đỗ Văn Liêm (75 tuổi, ấp 4, xã Tân Thanh) cho biết, đến Phủ thờ viếng Bác như đã thành thông lệ của người dân thể hiện đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Người dân ở đây cũng như nhiều nơi khác đến Phủ thờ đều rất xúc động khi xem tư liệu về cuộc đời hoạt động của Bác.

Đặc biệt, Phủ thờ còn là "địa chỉ đỏ", nơi tham quan của học sinh các trường trong huyện để giáo dục lòng yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và phát động phong trào “Cháu ngoan Bác Hồ” thi đua làm theo Năm điều Bác Hồ dạy. Ngày 26/3/2024, Huyện đoàn Cái Bè và Ban Giám hiệu Trường Trung học cơ sở Thạnh Hưng đã tổ chức lễ kết nạp mới 116 đoàn viên tại Phủ thờ.

Ông Lê Văn Ý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè cho biết, Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh, được xem như biểu tượng văn hóa, lịch sử không chỉ của xã Tân Thanh mà còn của huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đây là "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của ông cha ta, giúp thế hệ trẻ thêm hiểu và tiếp tục xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử quan trọng trong đời sống của người dân địa phương. Đây cũng chính là động lực giúp huyện Cái Bè phấn đấu thi đua xây dựng, phát triển kinh tế. Đặc biệt, ngày 30/1/2024, địa phương đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Hữu Chí (TTXVN)
Hàng vạn người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hàng vạn người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9, hàng vạn đồng bào từ khắp mọi miền Tổ quốc vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN