Nâng 'chất ' để phát huy tác dụng của nhà văn hóa khu dân cư ở Đồng Nai

Hệ thống nhà văn hóa khu dân cư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã “phủ sóng” gần hết các địa phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc tổ chức hoạt động tại các nhà văn hóa chưa mang lại hiệu quả thiết thực, không thu hút được người dân tham gia, gây lãng phí.

Chú thích ảnh
Nhà văn hóa khu phố Cầu Hang, phường Hóa An (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) xây dựng trái đường khiến người dân khó tham gia. 

Để nâng “chất” nhằm phát huy tác dụng của các nhà văn hóa, tỉnh Đồng Nai đang đẩy mạnh nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng các mô hình, tạo điều kiện cho người dân tham gia sinh hoạt thường xuyên.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đồng Nai hiện có 865/932 ấp, khu phố có nhà văn hóa; trong đó có 697/865 ấp, khu phố có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn về diện tích; 694/865 đạt chuẩn về diện tích khu thể thao; 67/932 ấp, khu phố chưa có nhà văn hóa - khu thể thao ấp, khu phố, chiếm 7,2%.

Nhà văn hóa khu phố 4, phường Bửu Hòa (thành phố Biên Hòa) được xây dựng với không gian rộng, trang bị đầy đủ các thiết bị tập thể dục, thể thao ngoài trời. Tuy nhiên, nhiều năm qua, nơi đây vẫn vắng bóng người dân qua lại.

Bà Trần Thị Huyền, ngụ khu phố 4, phường Bửu Hòa, cho biết, do các dụng cụ tập thể dục thể thao ít được bảo trì, bảo dưỡng nên bị rỉ sét, không phù hợp cho việc luyện tập thể dục. Bên cạnh đó, khuôn viên nhà văn hóa ít được dọn dẹp sạch sẽ, lại không thường xuyên có những hoạt động cụ thể nhằm thu hút người dân tham gia. Vì vậy, nhiều năm nay nhà văn hóa bị bỏ không.

Tương tự, nhà văn hóa khu phố Cầu Hang, phường Hóa An, thành phố Biên Hòa, cũng được xây dựng khang trang, trang bị nhiều thiết bị phục vụ cho hoạt động hội họp, sinh hoạt văn nghệ nhưng vẫn chưa thu hút được người dân tham gia. Nguyên nhân chủ yếu là do nhà văn hóa xây dựng ở hẻm cụt, chạy song song với tuyến đường sắt. Người dân muốn đến sinh hoạt phải chạy vòng đoạn đường xa.

Chú thích ảnh
 Các nhà văn hóa dân cư ở Đồng Nai bị bỏ không do không có các hoạt động cụ thể thu hút người dân. 

Bà Bùi Thị Thoa, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi khu phố Cầu Hang cho biết, trước đây để thuận lợi cho việc đi lại, dễ dàng vào sinh hoạt tại nhà văn hóa, nhiều người dân tự mở lối đi cắt ngang tuyến đường sắt. Sau khi lối đi này bị cấm, người dân phải chạy thêm một đoạn xa, rồi vòng lại. Từ đó đến nay, ngoại trừ một số sinh hoạt hội họp và các buổi luyện tập văn nghệ của người cao tuổi, rất ít người lui tới nhà văn hóa do trái đường.

Những nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được xây dựng trước năm 2005 đang có tình trạng chung là xuống cấp, dột nát. Những nhà văn hóa này thường có diện tích đất hẹp, không xây dựng được các công trình phụ trợ, không có nơi luyện tập thể dục thể thao, sinh hoạt văn nghệ, vì vậy dù được đầu tư xây dựng nhưng hoạt động không hiệu quả.

Để nâng “chất” nhằm phát huy tác dụng của các nhà văn hóa khu dân cư, tạo không khí hoạt động mới cho các nhà văn hóa, một số địa phương trong tỉnh Đồng Nai đã và đang đẩy mạnh nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng các mô hình, tạo điều kiện cho người dân tham gia sinh hoạt thường xuyên. Bên cạnh đó, địa phương cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ văn hóa thể thao nhằm khai thác tối đa công năng. Từ đầu năm đến nay, nhiều buổi giao lưu câu lạc bộ đờn ca tài tử đã được tổ chức tại các nhà văn hóa.

Mới đây, UBND huyện Vĩnh Cửu đã ban hành kế hoạch về việc triển khai xây dựng mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tại các nhà văn hóa trên địa bàn, trong đó chọn 6 nhà văn hóa xây dựng thí điểm mô hình Ngôi nhà trí tuệ trong năm 2022 và tiếp tục nhân rộng trong năm 2023.

Chú thích ảnh
 Khuôn viên nhà văn hóa khu phố 4 phường Bửu Hòa (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) chưa được duy tu, bảo dưỡng và làm vệ sinh môi trường sạch sẽ. 

Lãnh đạo Phòng Văn hóa Thông tin huyện Định Quán cho rằng, cần huy động các nguồn lực để tập trung nâng cấp, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp cho hệ thống nhà văn hóa; chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho đội ngũ phụ trách để quản lý và vận hành nhà văn hóa; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng (trước mắt là xây dựng các công trình thể thao), tổ chức hoạt động tại các nhà văn hóa.

Bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian tới ngành văn hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường các hoạt động kiểm tra, huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển văn hóa, thể thao tại các nhà văn hóa. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục thực hiện quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Xuân (TTXVN)
Bàn giao nhà văn hóa cộng đồng và nhà ở vùng lũ cho hộ khó khăn ở Hà Tĩnh
Bàn giao nhà văn hóa cộng đồng và nhà ở vùng lũ cho hộ khó khăn ở Hà Tĩnh

Ngày 3/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khánh thành và bàn giao 6 nhà văn hóa cộng đồng, kết hợp tránh bão, lũ; 4 nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN