Cũng theo bà Châu Thị Lệ, trước đó ngày 27/1, Sở Công Thương có công văn đề nghị các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu, giám sát việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối… để đảm bảo việc bán xăng dầu không bị gián đoạn, nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Sở Công Thương cũng phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố và Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An kiểm tra, giám sát việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra, giám sát, có 25/478 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngừng hoạt động. Nguyên nhân do nhân viên bán hàng nghỉ Tết, nhân viên mắc COVID-19; hết xăng dầu có 6 cửa hàng, nhưng đơn vị đầu mối, phân phối không cung cấp hoặc chưa thể nhập xăng dầu để bán vì chiết khấu đại lý rất thấp (0 đồng) khiến đại lý bán sẽ bị lỗ.
Theo các doanh nghiệp đầu mối và phân phối, hiện tại nguồn cung xăng dầu cho hệ thống đại lý bán lẻ vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, mức chiết khấu cho đại lý rất thấp, từ 0 đồng đến 330 đồng, vì giá xăng dầu thế giới tăng cao, giá bán trong nước thấp chưa điều chỉnh; đồng thời kỳ điều hành giá trùng vào dịp Tết Nguyên đán nên giá bán, giá giao đại lý chưa được điều chỉnh dẫn đến chiết khấu đại lý giảm, doanh nghiệp, đại lý bán lẻ càng bán càng lỗ; nguồn cung xăng dầu trong nước và nhập khẩu giảm. Các doanh nghiệp dự báo những ngày tới, sẽ có tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm dừng hoạt động.
Sở Công Thương tỉnh Long An đang kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét thực hiện việc điều chỉnh giá bán trong nước, sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu khi cần thiết. Qua đó, đảm bảo giá bán bù được chi phí và có nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ nhu cầu phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022.