Theo đó, từ ngày 18/9/2021, các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị đang thực hiện công việc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được phép đưa một số chuyên gia, người lao động vào tỉnh Lâm Đồng làm việc.
Những người được tỉnh tiếp nhận đến địa phương làm nhiệm vụ trong thời gian tỉnh đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gồm: Các chuyên gia, người lao động vào tỉnh Lâm Đồng để triển khai dự án, thực hiện hợp đồng kinh tế, nhận công tác mới (dự án, công trình, công việc có tính chất lâu dài). Đoàn công tác thuộc các cơ quan Quân đội, Công an đến Lâm Đồng để thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên hoặc đột xuất liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng, đối ngoại quốc phòng. Đoàn cán bộ y tế đến tỉnh Lâm Đồng công tác và hỗ trợ thực hiện công tác chống dịch (tiêm chủng vaccine, lắp đặt, hiệu chỉnh trang, thiết bị y tế…). Lái xe vào địa bàn tỉnh để đưa, đón chuyên gia, người lao động, sinh viên tốt nghiệp ra trường, sinh viên mới nhập học; đón người hoàn thành thời gian cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; chuyên chở các mặt hàng thiết yếu (xăng, dầu, nguyên vật liệu,…) phục vụ nhu cầu dân sinh, sản xuất, kinh doanh.
Lâm Đồng cũng đưa ra những điều kiện để các chuyên gia, người lao động được vào địa bàn thực hiện nhiệm vụ gồm: Tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 (tiêm mũi thứ 2 ít nhất 14 ngày khi vào tỉnh Lâm Đồng) và có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định; thực hiện việc đi lại đúng theo nguyên tắc “Một cung đường, hai điểm đến”; khi lưu thông phải có đầy đủ giấy tờ theo đúng quy định của ngành, cơ quan chủ quản và của địa phương; khai báo y tế tại chốt kiểm dịch và không dừng đỗ tại bất cứ địa điểm nào khác trong quá trình di chuyển từ chốt kiểm dịch về nơi cách ly y tế. Trong thời gian cư trú trên địa bàn tỉnh, phải tuân thủ nghiêm việc cách ly y tế và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch COVID-19 trên địa bàn; chấp hành cách ly y tế có trả phí theo quy định.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị đăng ký cho người ra, vào Lâm Đồng, cử chuyên gia, người lao động đến công tác, làm việc tại tỉnh Lâm Đồng ổn định cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế tối đa việc di chuyển chuyên gia, người lao động từ tỉnh khác đến tỉnh Lâm Đồng; bố trí đầy đủ các điều kiện về nơi ở, điều kiện làm việc; đồng thời yêu cầu chuyên gia, người lao động không di chuyển ra bên ngoài nếu không có việc thực sự cần thiết.
Trường hợp phải di chuyển, cần chấp hành nghiêm việc phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; chịu sự theo dõi, giám sát của cơ quan y tế và chính quyền cơ sở về công tác phòng, chống dịch; cam kết, chịu trách nhiệm với chính quyền địa phương nếu để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; chịu trách nhiệm trả phí cách ly cho chuyên gia, người lao động trong thời gian cách ly tập trung; bố trí địa điểm cách ly sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung.
Thời gian gần đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhận được văn bản của một số cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh đề nghị cho phép cán bộ, chuyên gia, công nhân, lái xe vào tỉnh Lâm Đồng thực hiện nhiệm vụ. Sau khi xem xét đề xuất của Sở Y tế, tập thể lãnh đạo UBND tỉnh đã thống nhất với chủ trương trên tại cuộc họp giao ban ngày 16/9.
* Ngày 17/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Văn bản về việc thực hiện một số nội dung về thủ tục, điều kiện ra, vào địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc qua chốt kiểm soát dịch bệnh.
Theo đó, người sinh sống, lưu trú tại các tỉnh, thành phố, khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ; hoặc khu vực đang thực hiện cách ly y tế vùng có dịch (vùng đỏ); những trường hợp yêu cầu không được di chuyển ra khỏi tỉnh, thành phố, khu vực đang thực hiện giãn cách... khi đến Vĩnh Phúc phải thực hiện cách ly y tế tập trung và xét nghiệm như đối với trường hợp F1 theo quy định.
Đối với các trường hợp là lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức của Trung ương, địa phương thực hiện công vụ; các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, người lao động được phép đi lại hoặc các đối tượng trong quá trình làm việc phải di chuyển từ các tỉnh, thành phố, khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến tỉnh Vĩnh Phúc và ngược lại theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch, như mang các giấy tờ theo yêu cầu nhiệm vụ công tác, thực hiện công vụ (giấy công tác, giấy giới thiệu,…); một trong các giấy tờ tùy thân (Căn cước công dân, Chứng minh thư nhân dân, hội chiếu/visa (đối với người nước ngoài). Thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 kết quả âm tính trước khi đi công tác; trước khi về tỉnh phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 3 ngày gần nhất. Nếu thời gian đi công tác ngắn dưới 3 ngày và kết quả xét nghiệm còn trong vòng 3 ngày thì không phải làm lại xét nghiệm. Khi đảm bảo các điều kiện trên thì không áp dụng biện pháp cách ly y tế.
Đối với người ra, vào tỉnh Vĩnh Phúc từ địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, cán bộ quản lý, công nhân, người lao động (hiện đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc) và các chuyên gia, người lao động có giao kết hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện theo quy định khi đi qua chốt phải có: giấy tờ tùy thân; giấy xác nhận kèm theo bản cam kết; phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 (Test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR) cho kết quả âm tính trong vòng 72 giờ.
Đối với người từ địa phương không có dịch, cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, quản lý, công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên,...(hiện đang học tập và làm việc tại các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc) không bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2; có giấy tờ tùy thân; giấy xác nhận kèm theo bản cam kết.
Đối với người bệnh, người chăm sóc người bệnh khi về tỉnh Vĩnh Phúc phải có giấy tờ tùy thân; giấy ra viện hoặc giấy tờ liên quan đến công tác điều trị; phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Chậm nhất đến hết ngày 21/9/2021, các cơ quan, tổ chức phải thực hiện xong việc cấp giấy xác nhận và cam kết theo mẫu cho cá nhân thuộc đơn vị mình để đáp ứng yêu cầu kiểm soát khi đi qua chốt. Các cơ quan tổ chức phải chịu trách nhiệm về tính chính xác trong việc xác nhận đối với cá nhân theo nội dung văn bản.