Khát vọng vươn lên ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á

Năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và đất nước gặp rất nhiều khó khăn, chiến tranh, xung đột vũ trang, khủng hoảng kinh tế, thị trường bất động sản ảm đạm… tác động trực tiếp đến kinh tế thành phố Cảng (Hải Phòng).

Chú thích ảnh
Dự án Trung tâm Chính trị Hành chính TP Hải Phòng đang gấp rút thi công. Ảnh: TTXVN phát.

Mặc dù vậy, với sự chung sức, đồng lòng và sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố trong nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai nhiều việc lớn, việc khó, thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đứng trong tốp địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế.

Chuẩn bị đón chào năm mới 2024, phóng viên TTXVN tại Hải Phòng có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng xung quanh nội dung này.

Ứng phó linh hoạt 

Năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và đất nước gặp rất nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến kinh tế thành phố. Tuy nhiên, Hải Phòng đã biến thách thức thành thuận lợi, đạt được những kết quả quan trọng. Ông có thể khái quát những thành tựu nổi bật ?

Năm 2023, thành phố Hải Phòng cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong bối cảnh quốc tế, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh, khó đoán định hơn. Kinh tế toàn cầu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức; lạm phát vẫn ở mức cao; nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất cao; thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu tiếp tục sụt giảm.

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn. Áp lực điều hành gia tăng khi vừa phải thực hiện nhiệm vụ thường xuyên với khối lượng công việc lớn, vừa tập trung giải quyết những khó khăn nội tại, các vấn đề tồn đọng, vừa phải ứng phó linh hoạt với những tình huống mới, bất ngờ, phát sinh, khó dự báo.

Thành phố Hải Phòng đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; điều hành chủ động, có quyết sách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội thành phố, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng năm 2023 tiếp tục ổn định và phát triển. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại một sự kiện. Ảnh: TTXVN phát...

Tăng trưởng kinh tế thành phố đạt 10,34%, gấp khoảng 2 lần bình quân chung cả nước, thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế, duy trì 9 năm liên tiếp đạt mức tăng trưởng hai con số. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng lần thứ hai liên tiếp vượt mốc 100 nghìn tỷ đồng/năm.

Môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, duy trì vị trí xếp hạng chỉ số PCI trong nhóm 3 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; hiệu quả từ chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư đã mang lại kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài, ước năm 2023 thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố đạt 3,5 tỷ USD, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Thành phố khởi công một số công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực như giao thông, công nghiệp, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố, tiêu biểu có thể kể đến như: Công trình xây dựng Trung tâm Chính trị - Hành chính và hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại khu đô thị Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên. Đây là dự án trọng điểm của Hải Phòng, đánh dấu một mốc son trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, tiến tới việc đến năm 2025 sẽ di chuyển Trung tâm hành chính hiện nay của thành phố sang phía Bắc sông Cấm theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tiếp đó là Dự án Nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên với quy mô xây dựng gần 54 nghìn mét vuông, gồm 10 nhà chung cư cao 15 tầng, tổng số khoảng gần 4.500 căn hộ, khu nhà ở thương mại có diện tích trên 13 nghìn mét vuông. Đây là dự án có ý nghĩa nhiều mặt về bảo đảm an sinh xã hội cũng như góp phần chỉnh trang đô thị thành phố.

Thành phố đã phối hợp với các cơ quan Trung ương liên quan trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân được chú trọng thực hiện tốt. Nổi bật là thành phố thực hiện thành công kỹ thuật ghép tạng, đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành Y tế thành phố. Đặc biệt, thành phố triển khai vận động các tổ chức quốc tế, các quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản thế giới về hồ sơ đề cử vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà và chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới. 

Chú thích ảnh
Khu công nghiệp DEEP C hình mẫu của Khu công nghiệp sinh thái tại Hải Phòng. Ảnh: TTXVN phát.

Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng, đồng thuận và ủng hộ các chủ trương, định hướng phát triển của thành phố. 

Mở ra mối quan hệ hợp tác sâu rộng  

Được biết, Hải Phòng giữ vững ngôi vị đầu của cả nước về thu hút FDI trong năm 2023 (vượt 1,75 lần so với kế hoạch), là kết quả mang tính lịch sử của thành phố từ trước tới nay. Điều gì đã tạo nên dấu ấn đáng tự hào này, thưa ông?

Trong 11 tháng năm 2023, thành phố Hải Phòng dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn thu hút 3.379,19 triệu USD, gấp 1,66 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 168,95% kế hoạch thu hút 2023.

Để có được thành tích trên, thời gian qua, đặc biệt trong năm 2023, các hoạt động đối ngoại của thành phố đã được triển khai đa dạng, phong phú. Hải Phòng đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, do lãnh đạo thành phố trực tiếp tham gia và thực hiện các hoạt động quảng bá môi trường đầu tư địa phương tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,... qua đó tiếp tục củng cố, mở ra mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa thành phố với các đối tác chiến lược trong bối cảnh mới và đã đạt được nhiều biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư với các tập đoàn lớn.

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, liên tục, trực tiếp chủ trì các cuộc họp rà soát, giải quyết vướng mắc; đẩy nhanh giải phóng mặt bằng; gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết thấu những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công; quan tâm cải cách hành chính, chuyển đổi số; chú trọng tạo lập môi trường để tăng cường thu hút đầu tư thông qua các chính sách về đào tạo lao động, phát triển nhà ở xã hội, đẩy mạnh đầu tư các dự án phát triển du lịch (sân golf, khách sạn...).

Chú thích ảnh
Hàn Quốc hiện có 105 dự án đứng đầu cả về số dự án lẫn số vốn đầu tư vào thành phố Hải Phòng. Ảnh: Minh Huệ.

Vai trò dẫn dắt của cả Khu vực

Tin vui đến với thành phố là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 2/12/2023 phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định này là động lực, nền tảng để Hải Phòng bứt tốc với vai trò, vị trí dẫn dắt của cả Khu vực Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Bắc Bộ và khu vực phía Bắc, thưa ông?

Một trong những mục tiêu chính của Quy hoạch là đến năm 2030 Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; là trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á. Tầm nhìn đến năm 2050, định vị Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Có thể thấy, bản Quy hoạch này là sự cụ thể hóa khát vọng phát triển thành phố theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, với những định hướng, giải pháp đột phá mang tầm chiến lược dài hạn, giúp khơi thông các điểm nghẽn và khai thác tốt vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng của thành phố, từ đó thực sự trở thành động lực, nền tảng để Hải Phòng bứt tốc với vai trò, vị trí dẫn dắt của cả Khu vực Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Bắc Bộ và cả khu vực phía Bắc.

Mang theo khát vọng lớn
 
Để hiện thực hóa Quyết định số 1516/QĐ-TTg, Hải Phòng cần những chiến lược, hoạch định dài hơi như thế nào, thưa ông?

Các định hướng của Quy hoạch thành phố Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rất cụ thể, mang theo khát vọng lớn về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Tuy nhiên, mục tiêu xa hơn và cao hơn của bản Quy hoạch này phải là các công trình cụ thể, các dự án được triển khai thực tế mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, từ đó nâng cao chất lượng, đời sống của nhân dân thành phố, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Để làm được điều này, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố xác định cần có những hoạch định mang tính chiến lược, dài hạn, đầu tư có trọng tâm trọng điểm để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong Quy hoạch. Trước hết, cần tập trung phát huy sức mạnh nội tại sẵn có của ngành công nghiệp thành phố, bằng việc tập trung nghiên cứu thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng đồng thời tiếp tục phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và thu hút xây dựng toàn bộ các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ đi sâu phát triển theo ba mũi đột phá chiến lược là: Cảng biển và dịch vụ logistics; chuyển đổi số và xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà - Đồ Sơn.

Cụ thể, thành phố xác định một số giải pháp, trong đó cần phát triển nhanh cảng biển và các ngành dịch vụ với chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh cao; tập trung đẩy nhanh tiến độ, phát triển cảng Nam Đồ Sơn, kết hợp với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện để phát huy vai trò là cụm cảng đặc biệt duy nhất của cả miền Bắc. 

Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung toàn lực để thành lập Khu thương mại tự do trong Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Từ đó, Khu kinh tế ven biển (trong đó có Khu thương mại tự do) này được kỳ vọng là đòn bẩy đủ mạnh giúp đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế của vùng đất phía Nam thành phố Hải Phòng.

Thành phố tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ cảng biển, logistics trên cơ sở chuyển đổi số toàn diện, ứng dụng công nghệ số, kinh tế số vào thực tiễn, giúp nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, khai thác dịch vụ của các đơn vị sử dụng dịch vụ cảng biển, logistics. Từ đó tạo vị thế và sức hút của Hải Phòng trong lĩnh vực logistics đối với các nhà đầu tư, khách hàng trong nước cũng như quốc tế.

Song song với phát triển kinh tế trong khu vực đất liền, thành phố chủ trương sẽ tập trung chỉ đạo để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà - Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao; kết hợp với vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa.

Sự ủng hộ của Trung ương đối với thành phố Hải Phòng là rất rõ ràng, thể hiện qua Quyết định số 1516/QĐ-TTg. Để thực hiện thành công Quy hoạch này cần phải có sự nỗ lực, đồng lòng của toàn bộ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đoàn Minh Huệ  (TTXVN)
Kinh tế năm: Hải Phòng giữ vững sức hút với dòng vốn FDI
Kinh tế năm: Hải Phòng giữ vững sức hút với dòng vốn FDI

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2023 ước đạt 3,5 tỷ USD, vượt 1,75 lần so với kế hoạch, đứng trong tốp dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và là kết quả lịch sử của thành phố Hải Phòng từ trước tới nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN