Theo thống kê, mưa lũ trong nhiều ngày qua đã làm sạt lở và gây ách tắc nhiều tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ, gây khó khăn cho người dân trong việc lưu thông. Trước tình hình đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường điều động máy móc, nhân lực tổ chức khắc phục. Đến chiều 13/10, các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ đã cơ bản thông xe, việc đi lại bình thường.
Hiện tuyến đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh còn bị ách tắc, đang được Công ty Cổ phần Xây dựng và quản lý công trình giao thông Kon Tum (đơn vị được giao quản lý) huy động máy móc, nhân công tập trung xử lý đất đá tràn mặt đường để sớm thông xe.
Trong khi đó, do mưa to, gió lớn, một số cây to đã gãy đổ vào đường dây điện khiến gián đoạn việc cung cấp điện tại thành phố Kon Tum và các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, thiệt hại trên 200 triệu đồng. Công ty Điện lực Kon Tum đã chỉ đạo điện lực các địa phương nhanh chóng xử lý các vị trí cây ngã đổ, sớm nối lại dòng điện cho người dân.
Ngay trong ngày 12/10, các vị trí ảnh hưởng tại thành phố Kon Tum, huyện Tu Mơ Rông, huyện Đăk Hà đã được xử lý, nối điện trở lại. Riêng các địa điểm tại huyện Kon Plông, do điều kiện di chuyển khó khăn, các vị trí cây ngã đổ ở xa trung tâm nên công tác khắc phục diễn ra chậm.
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum, đơn vị đang gấp rút triển khai phương án xử lý, nối điện cho bà con ngay trong tối 13/10.
Đối với hai trường hợp tử vong tại huyện Đăk Glei và huyện Tu Mơ Rông, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng cơ quan chức năng tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum cho biết, trong 24 giờ qua, mực nước trên các sông chính chảy qua địa bàn là sông Đăk Bla, Pô Kô và Đăk Tờ Kan đã giảm. Trong 24 giờ tới, mực nước trên các con sông này tiếp tục dao động từ 0,1 - 0,3m theo xu hướng giảm, không xuất hiện lũ.
Bên cạnh đó, UBND các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ đã chỉ đạo UBND các xã hướng dẫn người dân tiêu úng cho các diện tích cây trồng bị ngập nhằm giảm thiểu tình hình thiệt hại; đồng thời, vận động nhân dân tổ chức thu hoạch đối với các diện tích lúa nước đến thời gian thu hoạch bị đổ.
Tại các khu vực bị sạt lở và khu vực nguy hiểm trên các tuyến đường giao thông, các địa phương đã cắm biển cảnh báo để người dân biết khi lưu thông; khắc phục tạm thời các vị trí hư hỏng, sạt lở nhỏ để bảo đảm giao thông.